Đây là thông tin được đưa ra nhân dịp Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động từ 8 – 14/5/2017. Tuần lễ do chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố sẽ tập trung vào vấn đề tốc độ và các giải pháp cần thực hiện nhằm giải quyết hiệu quả yếu tố gây thương tích và tử vong do tai nạn giao thông.
Trên toàn cầu, mỗi năm khoảng 1,25 triệu người tử vong do tai nạn giao thông. Ngoài ra, khoảng 20-50 triệu người khác bị chấn thương, gây những khó khăn to lớn về kinh tế cho hộ gia đình và toàn thể xã hội. Theo thông tin từ Ủy Ban ATGT Quốc gia, năm 2016 có gần 9.000 người tử vong do TNGT tại Việt Nam, cùng với đó là hàng chục ngàn người bị thương khác. Những mất mát này đặt một gánh nặng to lớn lên xã hội do năng suất lao động bị mất đi và chi phí cao dành cho việc điều trị người bị thương.
Với hơn 1.900 trẻ em tử vong mỗi năm, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong và thương tích nghiêm trọng thứ hai ở trẻ, chỉ đứng sau đuối nước, chiếm 27% các trường hợp tử vong ở nhóm 0-19 tuổi. Ở nhóm trẻ vị thành niên từ 15-19 tuổi, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, chiếm 50%.
Ảnh minh hoạ.
TS Lokky Wai – Trưởng Đại diện Tổ chức Y Tế Thế giới tại Việt Nam nói "Vi phạm quy định tốc độ là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông tại Việt Nam”. Ông cũng nhấn mạnh rằng vấn đề này có thể ngăn ngừa được. “Bằng việc tuân thủ quy định về tốc độ, di chuyển với tốc độ thấp hơn, chúng ta có thể biến những con đường trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người. Chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình, chúng ta có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người”.
“Mỗi năm ở Việt Nam cuộc sống của hàng nghìn gia đình bị đảo lộn nghiêm trọng khi mất đi những đứa trẻ, người thân trong gia đình do tai nạn giao thông đường bộ có thể phòng tránh được,” ông Jesper Moller, Quyền Trưởng Đại Diện của UNICEF nói. “Hành vi cá nhân của chính chúng ta, những người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ có tác động trực tiếp đến việc chấm dứt thương tích đường bộ ở trẻ. Giảm tốc độ là điều đầu tiên mỗi người điều khiển phương tiện chúng ta có thể làm để bảo vệ cuộc sống của trẻ em.”
WHO và UNICEF tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội nhằm nâng cao nhận thức và nhu cầu cần hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT trong đó có tốc độ.