Trong đó, đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
Hiện nay, dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến. Tại dự thảo, lần đầu tiên đồ uống có đường thuộc danh mục hàng hóa đề xuất áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là cần thiết để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường để giảm tác hại cho sức khỏe, đồng thời có thể khiến mọi người lựa chọn những đồ uống thay thế lành mạnh hơn.
TS Angela Pratt - Trưởng đại điện Văn phòng WHO tại Việt Nam: Biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế.
Bằng chứng toàn cầu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 và sâu răng. Chúng cũng góp phần khiến mọi người thừa cân, béo phì, có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư.
WHO khuyến cáo rằng việc tiêu thụ cái gọi là "đường tự do" – có thể coi là bất kỳ loại đường nào được thêm vào thực phẩm hoặc đồ uống - nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng, nhưng lý tưởng là dưới 5% (khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành trung bình).
Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.
Chúng ta cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này. Trên khắp thế giới, một biện pháp phổ biến để giảm tác hại từ đồ uống có đường là tăng giá của chúng bằng thuế. Tín hiệu giá - chi phí cao hơn – rất có tác dụng để giúp giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Hơn 100 quốc gia hiện đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này.
Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11% và họ sẽ chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối. Các biện pháp như thế này có thể giúp làm chậm sự gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì, đặc biệt là ở trẻ em, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong các thế hệ tương lai.
Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp bao gồm: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học và giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em, thanh thiếu niên. Truyền thông đại chúng có thể làm tăng kiến thức về sức khỏe của mọi người, giúp họ suy nghĩ và nhận thức đúng đắn hơn về những gì họ đang uống từ đó đưa ra những lựa chọn tốt hơn về đồ uống để có cuộc sống khỏe mạnh hơn.
PGS.TS. Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Tiết kiệm chi phí y tế khi áp thuế đồ uống có đường.
Tác động về sức khỏe khi áp thuế đồ uống có đường trên thế giới phải kể đến việc ngăn ngừa được đáng kể các trường hợp thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2 và tiết kiệm được chi phí y tế. Kinh nghiệm ở Thái Lan cho thấy, khi áp thuế suất đồ uống có đường 11%, 20% và 25% thì tỷ lệ mắc béo phì giảm lần lượt là 1,73%; 3,83% và 4,91%. Ở Colombia, tỷ lệ thừa cân giảm 1,5 - 4,9 điểm % và béo phì giảm 1,1 - 2,4 điểm %trong 1 năm.
Với 1 USD chi cho việc thực hiện chính sách thuế sẽ tiết kiệm 3,98 USD chi cho sức khỏe ở Mexico. Đây chính là lợi ích kép của việc đánh thuế: tăng thu thuế và giảm chi y tế.
Một tác động nữa về sức khỏe khi áp thuế đồ uống có đường, đó là giảm tỷ lệ mắc bệnh nha khoa sâu răng. Đây là vấn đề rất quan trọng vì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tiêu thụ nước ngọt có hàm lượng đường cao và nồng độ axit có thể góp phần gây hại cho sức khỏe răng miệng, ăn mòn men răng, nhất là ở giới trẻ - đối tượng sử dụng nhiều loại đồ uống có đường khác nhau có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ xương răng.
Ngoài ra, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường thì người dân nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt.
Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hòa tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, si rô… Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác.
Chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng. Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô.
Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
TS. Nguyễn Thùy Duyên – Trường Đại học Y tế công cộng: Cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường
Bằng chứng, kinh nghiệm hiện tại cho thấy, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, người dân sẽ uống ít hơn khoảng 11%. Nhờ vậy, chính sách này có thể đem lại thay đổi tích cực trong tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam.
Một số kịch bản tăng thuế như có thể đánh thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường, thuế tuyệt đối theo thể tích, thuế theo giá xuất xưởng, tuy nhiên, cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.
Đồng thời, lượng hóa tác động đến việc thay đổi cân nặng, mức giảm dự kiến của tỷ lệ thừa cân, béo phì và đái tháo đường tuýp 2 nhưng không gây sốc với ngành công nghiệp giải khát.
Trong đó, thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường cho thấy khá nhiều ưu điểm so sánh với loại thuế khác. Loại thuế này có tác động trực tiếp đến các sản phẩm có hàm lượng đường cao như khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang các dòng sản phẩm ít đường hơn; mở đường cho nhà sản xuất chuyển hướng sang các dòng sản phẩm ít đường hơn.
Tăng thuế sẽ tác động đến tăng giá qua đó tác động đến hành vi tiêu thụ, gánh nặng sức khỏe và kinh tế xã hội sẽ thay đổi tương đương với mức tăng giá bán lẻ. Nếu mức tăng giá 5% đem lại sự thay đổi không đáng kể thì tăng giá ở mức 20% có thể đem lại sự thay đổi tích cực cho tình trạng béo phì ở Việt Nam.