Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%

19-12-2017 19:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Mặc dù trong 30 năm qua, ở nước ta, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Tuy nhiên đây vẫn là con số làm nhức nhối các nhà quản lý khi Việt Nam có chiều cao trung bình đứng 19 từ dưới lên...

Chiều cao vẫn... khiêm tốn

Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng, trong vòng 34 năm qua (1975-2009), chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng 4,4 cm (từ 160 cm lên 164,4 cm), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4 cm (từ 150 cm lên 153,4 cm). Tuy nhiên, đây là vẫn mức tăng trưởng thấp. Hiện nay, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới.

Theo các chuyên gia, có 4 yếu tố liên quan đến phát triển chiều cao là di truyền, hoạt động môi trường, hoạt động thể lực và các yếu tố môi trường khác. Tại các quốc gia châu Âu hoặc Bắc Mỹ, di truyền có thể ảnh hưởng tới 80% chiều cao khi trưởng thành, trong khi tại các quốc gia châu Á như Trung Quốc, di truyền chỉ quyết định khoảng 65% chiều cao khi trưởng thành. Có khoảng hơn 400 gen khác nhau ảnh hưởng đến chiều cao của con người, trong số đó có 83 gen có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao.

Ngoài ra, một vài yếu tố quan trọng nữa cũng ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ em là các yếu tố bệnh tật như bệnh truyền nhiễm, giun sán, bệnh đường hô hấp; vai trò của giấc ngủ; luyện tập thể thao…

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn cao

Mặc dù, trong 30 năm qua, ở nước ta, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Các chuyên gia cho biết, khẩu phần ăn của trẻ hiện chưa bảo đảm đa dạng, cân đối, chưa đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số chất dinh dưỡng quan trọng (như vitamin A, Vitamin D, canxi, Fe, kẽm…). Trong khẩu phần ăn hàng ngày của cả trẻ bình thường cũng như trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân và thấp còi đều không đủ canxi và các vi chất thiết yếu giúp hấp thu canxi vào xương hiệu quả.

Có cứ 6 trẻ dưới năm tuổi thì có 1trẻ suy dinh dưỡng

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất năm 2015, có cứ sáu trẻ dưới năm tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng. Cứ 10 trẻ có bảy trẻ thiếu kẽm. Cứ hai trẻ có một trẻ thiếu máu. Thực trạng suy dinh dưỡng và suy dinh dưỡng thấp còi ngoài yếu tố di truyền, theo TS Mai có liên quan rất nhiều đến yếu tố dinh dưỡng. Hiện nay, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng trong tình trạng cảnh báo.

Giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã nhấn mạnh việc nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Trong đó, đặc biệt yêu cầu, đến năm 2030, phải giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 15%; khống chế tỉ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm.

Thực hiện được điều này, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các ngành, các cấp, mọi gia đình và toàn xã hội.


Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn