Chiều 24/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe các Báo cáo về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%.
Trình bày Tờ trình về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau dịch COVID-19, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15; đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất…
Để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình KT-XH, đồng thời cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện cho năm 2023 và trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT như đã áp dụng năm 2022 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân là cần thiết...
Năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thực hiện theo phương án này nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.
Thẩm tra về chính sách trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài Chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT để tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng có chiều hướng suy giảm từ Quý IV/2022, nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách còn băn khoăn về các nội dung giải trình của Chính phủ khi đề xuất việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023. Đề nghị các biện pháp kích cầu trong năm 2023 tập trung vào tháo gỡ các nút thắt để tăng cường giải ngân và phát huy hiệu quả của chi đầu tư công trong gói phục hồi kinh tế hơn là tiếp tục các chính sách giảm thu ngân sách.
Về nội dung của chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về tác động của việc giảm thuế để bảo đảm đạt được mục tiêu đặt ra khi đề xuất ban hành chính sách như kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho NSNN,…
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong thời điểm hiện nay vì còn băn khoăn về tính hiệu quả của chính sách đồng thời lo ngại về tác động giảm thu trong bối cảnh nhiệm vụ thu năm 2023 là rất khó khăn.
Về tác động chính sách, trong bối cảnh tình hình kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 dự kiến còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về phương án, giải pháp bù đắp các khoản giảm thu.
Về hiệu lực thi hành chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT là từ 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Ông Lê Quang Mạnh cho rằng, một số ý kiến cho biết, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.