Ngày 11/7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại BV K (cơ sở Tân Triều) và BV Nội tiết TW (cơ sở mới Tứ Hiệp) nhằm đánh giá kết quả bước đầu thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện
Việc kiểm tra tập trung vào các nội dung như cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, cải tiến quy trình làm việc; tăng giường bệnh, hạn chế tình trạng nằm ghép; tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đường dây nóng; bệnh viện vệ tinh và công tác chuyển giao kỹ thuật...
Tại các bệnh viện này trước khi vào làm việc với lãnh đạo chủ chốt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thăm các khu vực tiếp đón bệnh nhân, khu vực khám, chữa bệnh, khu vực điều trị nội trú, trò chuyện với các bác sỹ và bệnh nhân đang khám, chữa bệnh tại bệnh viện.
BV K: Đã giảm 4-5 bước của quy trình khám chữa bệnh
Báo cáo kết quả bước đầu thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện tại BV K do TS Bùi Diệu- Giám đốc BV trình bày cho biết, để thực hiện Đề án giảm tải, bệnh viện đã đưa cơ sở Tân Triều vào hoạt động với đầy đủ trang thiết bị; thực hiện chấn chỉnh ý thức tổ chức kỷ luật, giờ giấc làm việc; rút ngắn thời gian khám, rút ngắn thời gian làm các xét nghiệm cận lâm sàng, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng các kỹ thuật cao...

Bàn đón tiếp bệnh nhân của bệnh viện K. Ảnh Trần Minh
Bên cạnh đẩy mạnh điều trị ngoại trú, giảm số bệnh nhân nội trú, bệnh viện mở rộng sắp xếp, bố trí khoa khám bệnh hợp lý, tăng bàn phát số (hiện có 8 bàn phát số cho bệnh nhân BHYT và không BHYT, bộ phận này tiếp đón người bệnh từ khoảng 7h, phân loại bệnh nhân đến các phòng khám chuyên khoa tương ứng), tăng cường công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến... Hiện nay, bệnh viện đã giảm được gần 70% số người bệnh nằm ghép giường; quy trình khám chữa bệnh chỉ còn 5 bước thay cho 9-10 bước như trước đây. Bệnh viện đã đầu tư thêm các trang thiết bị tại 3 cơ sở, đặc biệt tại cơ sở 3 và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Nhờ đó, thời gian khám trung bình/người bệnh (đối với các trường hợp không phải làm xét nghiệp phức tạp) còn 120-180 phút đối với bệnh nhân khám tại cơ sở 1, 120 phút đối với bệnh nhân khám tại cơ sở 2, trong đó, khám bệnh thông thường không có cận lâm sàng là 30 phút, khám bệnh có thực hiện 1 xét nghiệm là 90 phút, khám bệnh có thực hiện 1 xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 120 phút...
BV Nội tiết TW: Giảm nằm ghép khoảng 10 lần so với trước đó
Tại Bệnh viện Nội tiết TW, với mục tiêu chống quá tải bệnh viện, không để bệnh nhân phải nằm ghép, bệnh viện đã thành lập một số khoa mới và tận dụng diện tích để kê thêm giường bệnh. Hiện, tỷ lệ giường bệnh có người bệnh nằm ghép/tổng số gường bệnh thực tế là 6-7% (trước đây tỷ lệ này là 60-70%, giảm khoảng 10 lần).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến hỏi thăm bệnh nhân đang chờ khám tại BV Nội tiết TW Ảnh Trần Minh
Ở khu vực khám bệnh, thời gian khám lâm sàng đơn thuần từ 15-20 phút, khám lâm sàng có thêm 1 kỹ thuật xét nghiệm từ 40-60 phút. Thời gian chờ khám trung bình/người bệnh từ khi lấy số, khám xong và ra về hết 2-3 giờ (do đặc thù bệnh nội tiết-chuyển hóa nên người bệnh thường phải làm 2-3 kỹ thuật trở lên), rút ngắn khoảng 1 giờ. Người bệnh đã được tiếp đón, chỉ dẫn rõ ràng, cụ thể, được bố trí, hướng dẫn khám bệnh và làm xét nghiệm theo trình tự thuận tiện...
Tại BV Nội tiết TW, đa số người bệnh đã được nằm mỗi người một giường, giảm được tình trạng nằm ghép. Buồng bệnh khang trang sạch sẽ, mộ số khoa đã có buồng bệnh có phòng vệ sinh khép kín. Thời gian chờ đợi khám của bệnh nhân đã được rút ngắn so với trước khoảng 1 giờ. Hiện tại BV Nội tiết TW còn đào tạo mổ nội soi tuyến giáp cho các bác sĩ nước ngoài.
Tạo mọi điều kiện chăm sóc tốt bệnh nhân
Sau khi nghe lãnh đạo hai bệnh viện báo cáo về những kết quả thực hiện Đề án giảm tải bệnh viện, công tác chuyển giao kỹ thuật cũng như xây dựng bệnh viện vệ tinh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý cả hai bệnh viện cần thực hiện tốt công tác điều trị ngoại trú, hướng dẫn cụ thể cho bệnh nhân, giảm bớt thủ tục, tránh để bệnh nhân phải đi lại nhiều lần gây tốn kém và phiền hà. Bên cạnh tăng cường các bệnh viện vệ tinh, cả hai bệnh viện cần thực hiện tốt công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh, bệnh viện tuyến dưới góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Đối với BV K, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cần phải chuẩn bị kỹ trước mổ, chỉ nhập viện khi đã đủ xét nghiệm cận lâm sàng, chỉ nhập nội trú khi cấp cứu, tăng cường sớm tiền trái phiếu 2014- 2016 làm trước thủ tục mua trang thiết bị; triển khai mô hình bệnh viện ban ngày, bước đầu là 50 giường bệnh. Bệnh viện cũng cần có biện pháp hỗ trợ người nhà bệnh nhân, giảm khó khăn cho người bệnh ở xa, nếu cần thiết thì kêu gọi xã hội hóa và Bộ Y tế sẽ hỗ trợ thêm. Vì người nhà bệnh nhân ra, không có chỗ cho họ ở sẽ rất vất vả. Bên cạnh đó, bệnh viện cần tăng cường truyền thông, giải thích để người dân hiểu rõ về quy trình khám chữa bệnh, tránh tình trạng để bệnh nhân phàn nàn “tôi đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội chờ đợi đã 3 ngày mà chưa được nhập viện như giấy hẹn” (Bệnh nhân Viên ở Thanh Hóa phàn nàn với Bộ trưởng tại BV K cơ sở Tân Triều)
Về phía BV Nội tiết TW, Bộ trưởng cho rằng, việc thực hiện giảm tải của BV trong thời gian qua đã khiến bệnh nhân không còn “lộn tiết khi đến BV Nội tiết” như trước nữa. “Đây là thay đổi quan trọng trong việc thực hiện giảm tải của bệnh viện, làm tăng sự hài lòng của người dân đối với ngành y tế”- Bộ trưởng nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng đề nghị BV Nội tiết hệ thống lại mạng lưới nội tiết rối loạn chuyển hóa. Tăng cường các chương trình về điều trị tiểu đường, cao huyết cáo, chương trình phòng chống bướu cổ và xây xựng bộ môn nội tiết chuyển hóa trong trường đại học.
Tại buổi làm việc với các bệnh viện này, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội bỏ photo thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện, người điều dưỡng phải kí xác nhận và chịu trách nhiệm toàn bộ về ghi mã bảo hiểm y tế để tránh phiền hà cho bệnh nhân.
Về thực hiện đường dây nóng y tế tại hai bệnh viện K và BV Nội tiết TW, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng những xử lý nghiêm của các bệnh viện này đối với cán bộ y tế bị người dân phàn nàn là nhằm chấn chỉnh lại tinh thần, thái độ của nhân viên y tế với người bệnh. Quan điểm của Bộ Y tế là kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên y tế sai phạm. Do đó, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đường dây nóng y tế để tăng sự hài lòng của người dân đối với ngành y tế.
Thái Bình- Trần Minh