Đó là thông tin được đưa ra tại“Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” với chủ đề “Không phân biệt giới, Không lựa chọn giới tính thai nhi” diễn ra sáng nay 17/10, chương trình do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức. Tham dự Ngày hội có với sự tham gia của gần 1.000 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế; đại diện 10 bộ, ngành đoàn thể, 11 Chi cục DS -KHHGĐ thuộc các tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh cao; Văn phòng UNFPA Hà Nội; các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Hà Nội; các đơn vị ủng hộ và phóng viên báo chí.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: "Giải pháp của vấn đề là cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn".
Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 112,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2014 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Hiện đã có 55/63 tỉnh, thành có tỷ số giới tính khi sinh trên 108 bé trai trên 100 bé gái - đây là con số hết sức báo động. Những tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan tới sức khỏe cũng như sự sống còn của họ. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm; dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ. Cũng tại ngày hội, Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: “Giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh không phải là công việc của một cơ quan đơn lẻ, đó là nhiệm vụ của tất cả mọi người! Cần phải có sự cam kết của tất cả các bên liên quan cùng nỗ lực vì một Việt Nam nơi mà phụ nữ và nam giới, bé trai hay bé gái đều được đối xử công bằng; phụ nữ và trẻ em gái đều có những cơ hội để thành công trong cuộc sống như nam giới; bé gái và bé trái được tôn trọng như nhau; một Việt Nam tiến bộ, văn minh và vấn đề “trọng nam hơn nữ” là vấn đề của quá khứ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể đảm bảo một tương lai tương sáng cho Việt Nam”.
Phân biệt đối xử với trẻ em gái dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới này là mặt trái xã hội, là sự vi phạm quyền con người, cần phải được chấm dứt. Bé gái cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Ngày hội cũng diễn ra lễ ký cam kết không cung cấp thực hiện dịch vụ sàng lọc giới tính thai nhi của Chi cục DS-KHHGĐ 11 tỉnh thành có tỉ số giới tính khi sinh cao và giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng. Đặc biệt, Ca sỹ Mỹ Linh - Đại sứ Truyền thông Dân số và Phát triển, có vai trò thu hút sự chú ý của dư luận và truyền tải các thông điệp của Ngày hội thông qua hình ảnh đại diện và sự tham gia vào các sự kiện chính của chiến dịch trên các kênh truyền thông đại chúng (Video Clip, các buổi nói chuyện trên sóng truyền hình/truyền thanh), mạng xã hội (Facebook), sản phẩm truyền thông (poster, banner), các bài viết đăng báo, tham gia sản xuất trên các sản phẩm truyền thông chủ đạo của chiến dịch (video clip, các poster, banner...