Hà Nội

Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho đồng bào dân tộc

11-12-2020 13:40 | Thời sự
google news

SKĐS - Mấy năm trước đây gia đình chị Thị Bru và anh Điểu Wat là hộ nghèo ở thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng đã có 5 con gái nhưng chưa có ý định dừng lại. Ngày lấy chồng, chị Bru không đăng ký kết hôn nên các con chị sinh ra không có giấy khai sinh và đều không được đến trường do nghèo khó. Cả 5 lần mang thai, chị Thị Bru không đi khám, không chích ngừa uốn ván, sinh tại nhà và các con chưa từng được tiêm chủng. Vì lo làm quanh năm mà cũng không đủ trang trải cuộc sống gia đình không có tiền, không biết ngừa thai, không có điều kiện cho con đi học.

 

Dần thay đổi nhận thức

Tuy nhiên từ khi  ngành dân số Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số giúp người dân tiếp cận, áp dụng các biện pháp tránh thai và tự nguyện làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sơ sinh; mở rộng mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình “Can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ở vùng sâu, xa đã được triển khai có hiệu quả.

Theo đó, đội ngũ cộng tác viên dân số - KHHGĐ thôn, ấp đến xã tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hoá gia đình bản thân như chị Thị Bru được cộng tác viên dân số hướng dẫn các biện pháp tránh thai bằng bao cao su, thuốc uống tránh thai, đặt vòng, tuyên truyền tờ rơi…Vì vậy, đội ngũ cộng tác viên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tuyên truyền, gắn với lồng ghép dịch vụ KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, tăng cường hoạt động tuyên truyền ở các vùng trọng điểm, ưu tiên các nội dung tuyên truyền phù hợp với vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có mức sinh cao; phấn đấu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên để sớm đạt được mức sinh thay thế.

Gia đình anh Lê Mạnh Hùng và chị Hoàng Thị Sim, ngụ tại thôn 5, xã Đường 10, huyện Bù Đăng khi ý thức được kinh tế sẽ không đảm bảo cho cuộc sống nên, anh chị đã quyết định thực hiện kế hoạch hóa gia đình sau khi sinh con thứ hai. Dừng lại ở 2 con nên anh chị có nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái và đầu tư việc phát triển kinh tế gia đình, từ đó cuộc sống gia đình ấm no và ổn định hơn.

Theo anh Hùng: “Xã hội bây giờ ngày càng văn minh, mỗi người, mỗi gia đình ý thức có biện pháp tránh thai nuôi con khỏe dạy con ngoan. Gia đình nào cũng mong muốn cho con mình được học tập đạt kết quả tốt có ích cho xã hội”.

Chị Hoàng Thị Sim, thôn 3, xã Đường 10, huyện Bù Đăng cho biết: “Gia đình tôi sinh hai con gái bây giờ không sinh nữa để nuôi dạy con cái ăn học thành đạt”.

Nhận thức về kế hoạch hoá gia đình của bà con đồng bào đang dần được cải thiện

Cô đỡ thôn bản giúp bà con đẩy lùi và xoá bỏ tập tục

Ở xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng từ khi có sự hiện diện của cô đỡ thôn bản Hà Thị Ngoạt, tình trạng trên đã được cải thiện, sản phụ trong thôn được quản lý chặt chẽ, lịch khám thai được thông báo, nhắc nhỡ hàng tuần…Không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em,…còn góp phần đẩy lùi và xóa bỏ các tập tục lạc hậu về sinh đẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cô đỡ thôn bản Hà Thị Ngoạt đã cùng đồng nghiệp phối hợp chính quyền xã, ban điều hành thôn ấp, các hội, đoàn thể tuyên truyền phòng chống dịch bệnh. Tăng cường đội ngũ y tế thôn bản để tuyên truyền hiểu biết cho người dân về sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để hạn chế tình trạng tai biến sản phụ.

Chị Ngoạt quyết tâm thay đổi nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, quản lý thai nghén, tư vấn chăm sóc thai, vận động khám thai, đăng ký quản lý thai, sinh con tại trạm y tế xã; khám thai vãng gia, phát hiện thai có nguy cơ cao để tư vấn chuyển tuyến kịp thời; đỡ đẻ tại nhà cho những trường hợp đẻ rơi hoặc không thể đến trạm y tế xã kịp, sử dụng gói đỡ đẻ sạch; chăm sóc sau đẻ cho mẹ và con, tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, vận động chị em kế hoạch hóa gia đình, đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ tại trạm y tế xã.

Bác sĩ Trần Đức Hoà,Trưởng phòng  dân số -KHHGĐ, Trung tâm y tế huyện Bù Đăng cho biết: “Công tác dân số trên địa bàn huyện Bù Đăng đạt kết quả tốt đẹp đặc biệt duy trì ổn định mức sinh, biện pháp tránh thai, nâng cao chất lượng dân số, hôn nhân cận huyết thống đạt kết quả đáng kích lệ. Phòng dân số chủ động tăng cường tuyên truyền nâng cao chất lượng công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn huyện”

Công tác Dân số - KHHGĐ  vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn vô vàn những khó khăn. Bằng sự nỗ lực, cố gắng cùng với những bài học, kinh nghiệm quý báu được rút ra trong quá trình tuyên truyền, vận động của đội ngũ cộng tác viên dân số nơi vùng sâu. Hy vọng rằng trong thời gian tới, công tác dân số - KHHGĐ tại những địa phương vùng sâu, vùng xa sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của các cấp ủy đảng để có thể vượt qua những khó khăn trước mắt. Qua đó tiếp tục duy trì và phát triển những kết quả đã đạt được, giải quyết tốt quy mô dân số, duy trì mức giảm sinh hàng năm cũng như khống chế tốc độ gia tăng tỷ lệ giới tính khi sinh và tỷ lệ gia tăng con thứ 3 trở lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.

 

 


H.Nguyên
Ý kiến của bạn