Hà Nội

Giảm thiểu rác thải nhựa y tế, các bệnh viện đã triển khai thế nào?

12-08-2019 16:37 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế chiều 12/8, ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết, do đặc thù trong ngành y tế, việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.

Ngành y tế phát sinh lượng lớn chất thải nhựa

Theo số liệu báo cáo năm 2017 của Sở Y tế và các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, tổng lượng chất thải y tế nguy hại là 21.374 tấn năm, lượng chất thải y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%).

Tổng lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 116.058 tấn/năm, lượng chất thải sinh hoạt được xử lý là 114.219 tấn/năm (chiếm 98,4%).

Ông Hà cho hay, đến thời điểm hiện nay, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế chưa tiến hành điều tra, đánh giá tỷ lệ chất thải nhựa trong chất thải của ngành y tế cũng như chưa có số liệu thống kê cụ thể về lượng chất thải nhựa phát sinh của ngành hàng năm.

Tuy nhiên, theo báo cáo của một số cơ sở y tế được Cục Quản lý môi trường lấy ý kiến (như: Bệnh viện K, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) thì tỷ lệ nhựa trong chất thải y tế (không bao gồm chất thải sinh hoạt) tại các bệnh viện này dao động trong khoảng 10 – 45%; tỷ lệ nhựa trong chất thải sinh hoạt tại cơ sở y tế trong khoảng 12-17%.

Về những tồn tại, bất cập trong quản lý chất thải nhựa trong ngành y tế, theo lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường Y tế, trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng 1 lần như bơm kim tiêm dùng 1 lần, dụng cụ thiết bị dùng 1 lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm.., đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện đúng theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều đó đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.

Ông Nguyễn Thanh Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế.

Ngoài ra, do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn.

Việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải, chất thải nhựa là một quá trình, tuy nhiên cũng mới chỉ bước đầu được thực hiện, tại Bệnh viện, cơ sở y tế cũng như tại cộng đồng.

Về sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa cũng là một khó khăn không nhỏ trong giai đoạn hiện nay. Việc tiếp cận những sản phẩm thân thiện môi trường về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương cũng rất khác nhau, và hầu hết là chưa đảm bảo cho việc sớm thay thế, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.

"Chống rác thải nhựa" tại cơ sở y tế

Năm 2018, hưởng ứng phòng trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Bộ Y tế đã có Công văn số 1505/MT-YT gửi các Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế và Công văn số 1506/MT-YT gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai phong trào. Trong đó, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sửa dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Tại một số địa phương, Sở Y tế và các cơ sở y tế cũng đã sớm tổ chức các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa tại cơ sở, nhiều đơn vị đã có các hoạt động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa" của cơ sở y tế trên cả nước. Cụ thể, tại Bệnh viện K đã vận động các đơn vị cung cấp dịch vụ, người nhà bệnh nhân cùng giảm thiểu rác thải nhựa. Tính đến cuối tháng 4/2019 (sau hơn 2 tháng thực hiện Kế hoạch), các đơn vị trong Bệnh viện K đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế đã ban hành và tổ chức thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị như thực hiện nghiêm túc các chính sách giảm thiểu chất thải quy định tại các văn bản liên quan đến quản lý chất thải, quản lý chất thải y tế; giảm thiểu phát sinh chất thải bằng các biện pháp: giảm phát sinh từ đầu nguồn như ưu tiên chọn sản phẩm ít phát sinh chất thải, hạn chế các hoạt động phát thải không cần thiết, đồng thời đưa ra các khẩu hiệu hành động: “Hạn chế phát sinh – phân loại đúng – thu gom đủ - tái sử dụng hợp lý – xử lý an toàn” và tuân thủ nguyên tắc: Tuân thủ nguyên tắc (3R = Reduce – Reuse – Recycle): Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế.

Chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế khá đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn. Ảnh minh họa.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM đã triển khai chuỗi phong trào “Chống rác thải nhựa” cho nhân viên y tế, bệnh nhân và thân nhân người bệnh tại Bệnh viện. Chuỗi phong trào bắt đầu với “Ngày hội chống rác thải nhựa và phát động tuần triển lãm cuộc chiến chống rác thải nhựa trên toàn thế giới và tại Việt Nam”. Với nội dung chính là triển lãm tranh ảnh, video về cuộc chiến chống rác thải nhựa trên thế giới và Việt Nam. Tiếp đến là chương trình tập huấn về các phương pháp giảm thiểu rác thải nhựa cho nhân viên y tế để ứng dụng trong Bệnh viện và trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, bệnh viện còn truyền thông hướng dẫn “Chống rác thải nhựa” thông qua các kênh truyền thông của Bệnh viện cho người bệnh và người nhà của bệnh nhân, thông qua các bảng truyền thông, tờ rơi, bảng quy định, sinh hoạt với người bệnh.

Tại thành phố Hải Phòng: Các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hải phòng tổ chức treo băng rôn, panô, biểu ngữ, áp phích, khẩu hiệu về phong trào “Chống chất thải nhựa” trong khuôn viên, làm vệ sinh thu gom rác thải trên tuyến đường xung quanh bệnh viện, chăm sóc và bảo vệ cây xanh; các Trung tâm y tế thành phố, quận, huyện cùng với việc tuyên truyền về lợi ích của phong trào “Chống rác thải nhựa”, còn phối hợp với chính quyền địa phương, chỉ đạo các trạm y tế xã, phường triển khai vận động nhân dân, học sinh tại các trường học tham gia vệ sinh đường phố, ngõ xóm, bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Tại tỉnh Đắk Nông: Sở Y tế tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch và triển khai đến 100% đơn vị trực thuộc thực hiện hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” của ngành y tế tỉnh Đắk Nông năm 2019các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã huy động khoảng 660 công nhân, viên chức, cán bộ, người lao động tham gia vệ sinh môi trường, thu gom trên 160kg rác thải nhựa, khơi thông 210m cống rãnh, làm vệ sinh khoảng 5 km khu vực công cộng và tổ chức 9 buổi giao ban, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa.

Bộ Y tế sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay chai nhựa dùng một lần tại các cuộc họp.

Tại tỉnh Bình Định: Từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019, các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Định đã xây dựng và triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa” gắn với thực hiện nhiệm vụ công tác của từng đơn vị, thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng 1 lần” và túi ni lông khó phân hủy. Tăng cường tổ chức quản lý chất thải rắn theo mô hình 3R (giảm thiểu - tái sử dụng - tái chế); đẩy mạnh hoạt động phân loại, thu gom các sản phẩm nhựa, túi nilon đã qua sử dụng và vận chuyển đến nơi tái chế xử lý đúng quy định. Với những nỗ lực đó, trong 4 tháng đầu triển khai các cơ sở y tế tỉnh Bình Định đã thu gom, phân loại và giao cho các cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý gần 73.340 kg chất thải nguy hại; 6.500kg chất thải nhựa có thể tái chế. Việc tái chế, tái sử dụng túi nilon đã giảm thiểu 10.000 túi nilon dung tích 15 lít thải ra môi trường.

Tại Đồng Tháp: Theo báo cáo sơ bộ của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, đến hết tháng 3/2019, trên địa bàn tỉnh có 30 cơ sở y tế trực thuộc, bệnh viện quân dân y kết hợp và bệnh viện tư nhân triển khai các hoạt động “Chống rác thải nhựa”. Lãnh đạo các đơn vị và các khoa phòng đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tập thể công chức, viên chức, người lao động về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy đối với môi trường sống; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Cuối năm 2018 một số Sở Y tế địa phương đã có báo cáo sơ kết về thực hiện phong trào tại địa phương và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Một số điển hình tiêu biểu về triển khai phong trào như tại Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế, Cà Mau…

Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn ngành y tế

Năm 2019, sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư ngỏ kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động chống rác thải nhựa vào ngày 25/4/2019. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành y tế.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị… thay thế bằng các vận dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. Theo đó Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn giảm thiểu chất thải nhựa trong y tế.

Đồng thời, để phát động thực hiện Chỉ thị sâu rộng trong toàn ngành Y tế, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tại đầu cầu Trung ương và 63 đầu cầu tại Hội trường giao ban trực tuyến của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 16/8/2019. Đồng thời, tổ chức ký cam kết giữa Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Sở Y tế với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ, Sở Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.

Song song với việc tổ chức Hội nghị trực tuyến, trong tháng 8/2019, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các phóng sự, tài liệu, tạp chí về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế để phát động, triển khai sâu rộng hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ sở y tế trong toàn ngành.

Dương Hải
Ý kiến của bạn