PGS.TS Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc BV Hữu nghị cho biết, trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau. Cụ thể, chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế; từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất…
Đặc biệt, trong ngành y tế, tính ưu việt của các sản phẩm nhựa dùng một lần như bơm kim tiêm dùng một lần, dụng cụ thiết bị dùng một lần trong phẫu thuật, xét nghiệm như găng tay vô trùng, chai, lọ, ống đựng bệnh phẩm... đã góp phần loại trừ, giảm thiểu nhiều nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo các hoạt động chuyên môn y tế được thực hiện theo quy định, đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chủng loại và khối lượng chất thải nhựa trong y tế là đa dạng và phát sinh với khối lượng lớn.
Ngoài ra, do đặc thù trong ngành y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn.
"Chỉ nguyên lượng nilon bao gói, túi đựng bằng nhựa tại BV Hữu nghị đã có đến hơn 700kg cùng khoảng gần 2 tấn rác thải nhựa dùng một lần từ túi nilon, hộp xốp, vật dụng phục vụ làm việc, ăn uống, sinh hoạt.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế cũng như ý thức được vai trò trách nhiệm của mình, BV Hữu nghị đã xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong thời gian tới với mục tiêu và lộ trình cụ thể, tiến tới năm 2025 giảm trên 80% lượng lượng rác thải nhựa dùng một lần. Kế hoạch này đã được gửi về các khoa phòng và toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện nghiêm túc triển khai"- PGS.TS Nguyễn Thanh Hà nói.
Các khoa phòng ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa y tế trước sự chứng kiến của Lãnh đạo BV Hữu nghị.
Cũng theo Giám đốc BV Hữu nghị, nhựa trong các sản phẩm thuốc tân dược, bơm kim tiêm, dây truyền tiến tới sẽ có những sản phẩm bằng chất liệu thân thiện hơn với môi trường để thay thế. Việc chúng ta có thể thực hiện được ngay đó là giảm và loại bỏ túi đựng nilon ở các khoa phòng như túi rác, túi đựng thuốc, túi đựng hoa quả thức ăn.
PGS.TS Nguyễn Thanh Hà cũng đề nghị nhà ăn bệnh viện không sử dụng hộp xốp, khay nhựa, thìa nhựa, cốc nhựa dùng một lần, thay thế vào đó là khay inox, cốc inox, thìa inox, lọ thủy tinh hoặc tối thiểu cũng là chất liệu nhựa sử dụng nhiều lần. Và ngay trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo tổ chức tại bệnh viện không sử dụng nước uống đóng trong các chai nhựa nhỏ, chuyển sang sử dụng chai thủy tinh hoặc bình nước to dùng chung. Hạn chế và thay thế dép nhựa bằng dép da, dép cao su.
Một việc thiết thực khác là thu gom túi nhựa, chai nhựa sinh hoạt để chuyển đi tái chế, vừa có lợi ích kinh tế, vừa giảm thải rác nhựa ra môi trường... Còn rất nhiều các biện pháp, hành động thiết thực khác mà mỗi cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân có thể sáng tạo và thực hiện được để giảm thiểu chất thải nhựa trong bệnh viện.
Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ký cam kết giảm thiểu sử dụng rác thải nhựa.
BV Hữu nghị là một trong số ít BV của Bộ Y tế thực hiện Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), tức là không in phim sau khi chụp X-quang, cộng hưởng từ, CT-Scanner và chụp mạch số hóa nền cho bệnh nhân. Thay vào đó là lưu trữ bằng hệ thống công nghệ thông tin nhằm tránh lãng phí, giảm thiểu tác hại ra môi trường.
Trước đó, lãnh đạo BV Hữu nghị cũng đã ký cam kết với Bộ Y tế thực hiện mục tiêu giảm thiểu chất thải nhựa. Tại lễ phát động và ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa y tế lần này, Giám đốc BV Hữu nghị chính thức phát động chung tay hành động giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn bệnh viện và đề nghị lãnh đạo các khoa phòng, đơn vị liên quan trong bệnh viện ký cam kết thực hiện những kế hoạch mà bệnh viện đã đề ra vì mục tiêu, giảm thiểu tối đa, tiến tới không có rác thải nhựa dùng một lần tại BV Hữu nghị.
Trong khi đó thói quen của người dân dùng túi nilon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày, việc lẫn các loại chất thải nhựa, đặc biệt là nilon tương đối phổ biến. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn. Việc đốt rác theo cách thủ công đang ngày ngày “bức tử” sự sống của con người, bởi theo các chuyên gia, rác thải này khi cháy sẽ thải ra cả chất độc như dioxin.