Hà Nội

Giảm thiểu rác thải nhựa ở Hà Tĩnh - Hãy nói và hành động!

30-10-2024 10:36 | Xã hội
google news

Mỗi phút, 1 triệu chai nhựa được mua, và mỗi năm có 5 nghìn tỷ túi nhựa được sử dụng trên toàn cầu. Khoảng 50% lượng nhựa sản xuất ra chỉ sử dụng một lần rồi vứt bỏ, dẫn đến ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng.

Giảm thiểu rác thải nhựa ở Hà Tĩnh - Hãy nói và hành động!- Ảnh 1.

Mỗi ngày Hà Tĩnh có hơn 6 tấn rác thải nhựa thải ra môi trường

Nhựa có nhiều công dụng giá trị và là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày. Một điều không thể không nói tới là chúng ta dường như đang nghiện các sản phẩm nhựa dùng một lần, thứ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, kinh tế và sức khỏe.

Những năm qua, Hà Tĩnh đã tích cực tuyên truyền, hành động để nâng cao nhận thức của cộng đồng giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và các loại túi nilong khó phân huỷ. Việc làm đó đã hạn chế, giảm thiểu lượng rác thải nhựa, tạo đà vững chắc cùng hành động bảo vệ môi trường.

Theo số liệu điều tra, khảo sát hiện trạng rác thải trên địa bàn Hà Tĩnh, năm 2022, của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 718 tấn/ ngày, trong đó rác thải nhựa chiếm khoảng 6,46 tấn/ngày. Đáng lo ngại người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hằng ngày, chủ yếu được thu gom cùng với các loại chất thải rắn sinh hoạt sau đó chôn lấp hoặc đốt càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Giảm thiểu rác thải nhựa ở Hà Tĩnh - Hãy nói và hành động!- Ảnh 2.

Chương trình “Đi chợ đổi rác lấy quà” tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi và trách nhiệm của tiểu thương, người dân trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Trước thực tế này, Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức và tầng lớp nhân dân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng đồ nhựa và túi nilong khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng đồ nhựa và túi nilong khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩn thân thiện với môi trường. Các cơ quan, đơn vị phát động phong trào sử dụng thay thế chai nhựa đựng nước một lần trong phòng làm việc và trong các cuộc họp bằng các bình đựng nước thủy tinh, sứ dùng nhiều lần thay nước đóng chai sử dụng một lần.

Đáng chú ý trong phong trào chống rác thải nhựa là cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch" được các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ trong toàn tỉnh thực hiện. Từ năm 2019, trong cuộc vận động này Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã triển khai nhiều mô hình, trong đó "Phụ nữ sống xanh, đi chợ không túi nilong" và mô hình 2 T "T-tiết kiệm và T-tận dụng" để gây quỹ từ nguồn phế liệu được đánh giá rất cao.

Được biết, đến thời điểm hiện nay hầu hết các thôn, xóm, khối phố trên địa bàn Hà Tĩnh đều đã xây dựng mô hình Ngôi nhà tiết kiệm sinh thái (hoặc Ngôi nhà xanh) với mục tiêu vận động cộng đồng phân loại và thu hồi vật liệu tái chế trong đó có rác thải nhựa không để thải ra môi trường. Theo đó, rác thải nhựa và các loại rác thải có khả năng tái chế được thu hồi được bán cho các cơ sở tái chế hàng tuần, số tiền thu được sẽ được sử dụng cho các mục đích xã hội như: Mua thẻ bảo hiểm cho người khó khăn trong thôn xóm, khối phố; góp quỹ khuyến học; góp quỹ xóa đói giảm nghèo.

Có thể khẳng định, sau bốn năm "kích hoạt" phong trào nói không với rác thải nhựa ở Hà Tĩnh đã đem lại hiệu quả tốt. Những tác hại của rác thải nhựa được tuyên truyền rộng rãi, để rồi hành động có trách nhiệm với tương lai đã bắt đầu "thấm, ngấm" vào nhận thức người dân.

Hưởng ứng phong trào, cùng với nhiều lĩnh vưc khác, ngành giáo dục đã được phát động sâu rộng "Giáo viên, học sinh, sinh viên nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần". Theo đó, ngay từ đầu Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng Chương trình phối hợp, tổ chức các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường tại các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cũng đã tích hợp lồng ghép giảng dạy các kiến thức, kỹ năng và những việc cần làm vì môi trường, chống rác thải nhựa vào nội dung chương trình các môn học phù hợp với cấp học, ngành học (Đối với trẻ Mầm non theo phương châm "Chơi mà học - học bằng chơi"; đối với phổ thông là trong các môn học Sinh học, Giáo dục Công dân, Địa lí , Hóa học, Khoa học, Tự nhiên và xã hội; hoạt động theo mô hình STEM,...).

Qua thực tiễn, các em học sinh nhận thức đầy đủ hơn về tác hại của rác thải nhựa, đồng thời có những hành động cụ thể, một số mô hình, hoạt động tiêu biểu để hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa như: Ngôi nhà kế hoạch nhỏ ở các trường TH, THCS có chỗ để gom chai nhựa và gom giấy phế liệu; ra mắt câu lạc bộ bảo vệ môi trường; tổ chức cuộc thi tái chế rác thải nhựa... Nhờ vậy, phong trào đã tạo được hiệu ứng sâu rộng không chỉ với cán bộ, giáo viên, học sinh mà còn lan tỏa đến phụ huynh và nhân dân.

Rác thải nhựa đang là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt hiện nay, và y tế là một lĩnh vực không ngoại lệ. Để tạo ra sự thay đổi tích cực, chúng ta cần những ý tưởng sáng tạo và cụ thể.

PV



Ý kiến của bạn