Khoảng 70% bệnh mới xuất hiện là bệnh lây truyền giữa động vật và người và hoạt động chăn nuôi ĐVHD, nếu không được quản lý tốt sẽ là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.
Để tìm hiểu rõ hơn, TS. Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế công Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), Trường Đại học Y tế công Công cộng; Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN) đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Thưa TS. Phạm Đức Phúc, trước những thông tin lo lắng về nguy cơ sức khoẻ liên quan tới các chất thải khi nuôi nhốt động vật hoang dã tại các khu dân cư, TS có thể cho độc giả của Báo Sức khỏe & Đời sống hiểu rõ hơn về nguy cơ này?
TS. Phạm Đức Phúc: Phần lớn việc nuôi nhốt và gây nuôi ĐVHD tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang ở cấp hộ gia đình và việc thiết kế chuồng trại và quản lý chất thải chưa có hướng dẫn kỹ thuật cụ thể. Theo kết quả khảo sát của Dự án "Chiến lược dự phòng lan truyền tác nhân gây dịch bệnh" viết tắt là STOP Spillover do Tung tâm CENPHER chúng tôi thực hiện năm 2020 cho thấy trên 90% các hộ nuôi nhốt và gây nuôi ĐVHD không xử lý chất thải. Chất thải được xả thẳng ra môi trường xung quanh khu vực dân cư, vườn cây, vườn rừng, ao cá và sông suối. Đặc biệt khi có con vật bị chết, người chăn nuôi còn vứt thẳng xuống ao cho cá ăn vào mùa mưa, hoặc vứt bỏ xuống sông suối hoặc vườn cây. Hành vi này dẫn tới rất nhiều nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh nguy hiểm đe dọa sức khỏe động vật, sức khỏe con người, cũng như gây ô nhiễm môi trường nguồn nước, đất và không khí và có thể là nguyên nhân bùng phát các vụ dịch bệnh truyền nhiễm.
TS. Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), Trường Đại học Y tế Công cộng; Điều phối viên Mạng lưới Một sức khỏe các Trường Đại học Việt Nam (VOHUN)
Vậy ông có thể cho biết thêm về các nguy cơ dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật và chất thải chăn nuôi?
TS. Phạm Đức Phúc: Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi (BTNMN) hoặc tái bùng phát ở người, động vật nuôi và ĐVHD. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái và có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế Thế giới đã có những minh chứng khoa học cho thấy có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật và hai phần ba trong số đó là từ động vật hoang dã. Việt Nam và một số quốc gia lân cận (ví dụ Trung Quốc) được xác định là một trong những "điểm nóng" toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi (ví dụ dịch SARS năm 2003, cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003, cúm A/H1N1 năm 2009, COVID-19). ĐVHD bài tiết ra chất thải rắn (phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn thừa rơi vãi), chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, nước từ sân chơi, bãi vận động, bãi chăn). Chất thải này chứa nhiều ni tơ, phốt pho, kẽm, đồng, chì, asen, niken và mang theo các loại vi sinh vật, trong đó có một số vi sinh vật có thể gây hại đến sức khỏe con người, động vật nuôi và môi trường sinh thái như E. coli, Salmonella, Streptococcus fecalis, Enterobacteriae, cũng như các vi rút gây bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Ông có thể chia sẻ một số giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm ô nhiễm môi trường và nguy cơ dịch bệnh và vai trò của công nghệ kỹ thuật môi trường?
TS. Phạm Đức Phúc: Kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi là áp dụng các phương pháp lý học, hóa học và sinh học để xử lý phân, nước thải và các chất thải trong quá trình chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trên thực tế, tùy thuộc và điều kiện chăn nuôi, khả năng đầu tư mà người nuôi có thể lựa chọn phương pháp phù hợp để xử lý chất thải một cách hiệu quả và kinh tế nhất. Chăn nuôi phải được quy hoạch phù hợp theo vùng sinh thái cả về số lượng, chủng loại để không bị quá tải gây ô nhiễm môi trường. Đối với chăn nuôi cấp hộ gia đình phải thực hiện tốt việc thiết kế chuồng trại. Tách riêng khu nuôi ĐVHD với các loại gia súc, gia cầm khác. Có hệ thống xử lý phân, nước thải hợp vệ sinh và ứng dụng các kỹ thuật xử lý phân, nước thải phù hợp với điều kiện của mỗi hộ. Áp dụng phương pháp nuôi an toàn sinh học đảm bảo về sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.
Trong thực tiễn, tùy điều kiện từng nơi, từng quy mô nuôi có thể sử dụng các kỹ thuật khác nhau để xử lý chất thải của ĐVHD như loại hầm khí sinh học (biogas), kỹ thuật lên men (các chế phẩm sinh học), sử dụng đệm lót sinh học. Ví dụ có thể áp dụng chăn nuôi trên đệm lót sinh học giúp giảm gây ô nhiễm môi trường và rất phù hợp với mô hình chăn nuôi nông hộ. Chăn nuôi trên đệm lót sinh học là sử dụng các phế thải từ chế biến nông, lâm sản (phôi bào, mùn cưa, thân cây ngô, đậu, rơm, rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê…) cắt nhỏ để làm đệm lót có bổ sung chế phẩm sinh học. Sử dụng chế phẩm sinh học trên đệm lót là sử dụng "bộ vi sinh vật hữu hiệu" đã được nghiên cứu và tuyển chọn thuộc các chi Bacillus, Lactobacillus, Streptomyces, Saccharomyces, Aspergillus… với mong muốn là tạo ra lượng vi sinh vật hữu ích đủ lớn trong đệm lót chuồng và tạo các vi sinh vật sinh ra chất ức chế nhằm ức chế và tiêu diệt vi sinh vật có hại, để các vi sinh vật phân giải chất hữu cơ từ phân và nước thải gia súc gia cầm. Ngành công nghệ kỹ thuật môi trường rất quan trọng, góp phần nghiên cứu và đưa ra các công nghệ kỹ thuật để xử lý các chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát tán các mầm bệnh.
Như vậy có thể thấy chăn nuôi phát triển, đặc biệt chăn nuôi ĐVHD giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình nhưng có thể cũng sẽ tạo ra những nguy cơ cho môi trường sinh thái và là một trong những nguyên nhân làm trái đất nóng lên nếu vấn đề môi trường chăn nuôi không được quản lý hiệu quả. Nếu các chất thải chăn nuôi đặc biệt phân và nước thải không được xử lý hiệu quả sẽ là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn cho môi trường, ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khoẻ của cộng đồng dân cư trước mắt cũng như lâu dài. Vấn đề đặt ra là phát triển chăn nuôi nhưng phải đảm bảo bền vững, bảo vệ được môi trường sinh thái và dự phòng dịch bệnh.
Xin trân trọng cảm ơn TS. Phạm Đức Phúc!
Cử nhân Công nghệ kỹ thuật môi trường có vai trò đặc biệt trong thời kỳ kinh tế phát triển và môi trường ngày càng xuống cấp. Trường Đại học Y tế Công cộng là trường đầu tiên trong khối ngành Y Dược đào tạo chương trình cử nhân Công nghệ kỹ thuật môi trường. Chương trình học 4 năm, chú trọng về Sức khỏe – An toàn – Môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường trong hệ thống y tế. Chi tiết tại: https://tuyensinh.huph.edu.vn/dai-hoc/gioi-thieu-ve-ma-nganh-cong-nghe-ky-thuat-moi-truong-2/ |