Hà Nội

Giảm thiểu nỗi đau,...

18-03-2015 20:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thống kê, năm 2014 vừa qua, toàn quốc đã xảy ra hơn 2.300 vụ cháy, làm chết hơn 90 người, ước tính thiệt hại tài sản hơn 1.300 tỷ đồng

Theo thống kê, năm 2014 vừa qua, toàn quốc đã xảy ra hơn 2.300 vụ cháy, làm chết hơn 90 người, ước tính thiệt hại tài sản hơn 1.300 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại các khu công nghiệp. Cũng trong năm 2014, cả nước đã xảy ra hơn 6.700 vụ tai nạn lao động làm gần 7.000 người chết và bị thương. Để nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, việc tăng cường tính chủ động phòng ngừa của doanh nghiệp, người lao động được xem là một biện pháp quan trọng. Đây cũng là mục tiêu mà Tuần lễ Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ năm 2015 hướng đến.

Diễn ra trong các ngày từ 15 - 21/3 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”. Điều này cho thấy tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hậu quả của cháy nổ đã và đang là nỗi lo của toàn xã hội, hủy hoại một phần những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và trên hết là để lại hậu quả lâu dài cho chính người lao động, gia đình và xã hội.

Tuần lễ Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ được phát động hằng năm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và phát động sâu rộng phong trào quần chúng lao động ở các ngành, địa phương, doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ, hạn chế và ngăn ngừa nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động, bảo vệ tài sản Nhà nước và tài sản của nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.

Tuy nhiên, không ít các cơ sở sản xuất với điều kiện làm việc không đảm bảo, sự quan tâm không đúng mức của các chủ doanh nghiệp nếu không muốn nói là sự cố tình không quan tâm của các chủ doanh nghiệp là những nguyên nhân chính dẫn đến việc mất an toàn lao động, gây cháy nổ và một số bệnh nghề nghiệp liên tục gia tăng.

Có một thực tế đang tồn tại là vì miếng cơm manh áo, vì để có công ăn việc làm, nhiều người lao động đành chấp nhận làm việc trong những điều kiện không đảm bảo, không được khám sức khỏe định kỳ. Nhưng rõ ràng, điều này với xã hội là không thể chấp nhận bởi khi người lao động phải đánh đổi sức khỏe để kiếm sống sẽ dẫn đến rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh nghề nghiệp đã và đang tạo ra gánh nặng rất lớn cho xã hội.

Cái giá lớn nhất của tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Tất cả những nguyên nhân đó làm bần cùng hóa người lao động và gia đình họ, ảnh hưởng tới cả cộng đồng khi mất đi những lao động có năng suất cao nhất, đồng thời thiệt hại cho doanh nghiệp, Nhà nước. Chính vì thế, bên cạnh việc phát động Tuần lễ Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động - phòng, chống cháy nổ hằng năm thì việc giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là công việc không đơn giản và không thể thực hiện một sớm, một chiều nhưng cải thiện tình trạng này là điều hoàn toàn có thể làm được. Bên cạnh tiến hành tổ chức những lớp ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp và từ đó để nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc những nội quy, quy định về ATVSLĐ trong các doanh nghiệp thì cần đưa ra những mục tiêu rõ ràng về ATVSLĐ với một lộ trình cụ thể. Và điều cần nhất là sự chung tay hành đồng của cả cộng đồng để khắc phục và giảm thiểu một cách bền vững vấn nạn này.

Mạnh Kha

 

 

 


Ý kiến của bạn