Chia sẻ tại chương trình Truyền hình trực tuyến với chủ đề "Dinh dưỡng, vận động khoa học – Nâng cao sức khỏe người Việt", GS.TS. Lê Thị Hương - Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng; Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng An toàn Thực phẩm - Trường ĐH Y Hà Nội cho biết: "Song song với nền kinh tế xã hội, chúng ta có rất điều cải thiện về mặt sức khỏe con người. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng nhiều vấn đề thách thức với ngành Y tế. Đối với vấn đề thừa cân béo phì, lịch sử 20 năm trước, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em chỉ khoảng 4-5% ở các thành phố lớn. Nhưng hiện nay, tỉ lệ thừa cân béo phì ở các trường học tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 40-50%, tức là gấp gần 10 lần so với 20 năm trước. Con số này ở người lớn cũng gia tăng. Năm 2010, tỉ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành là khoảng 8,5% nhưng vào năm 2020, tỉ lệ này đã lên đến 19%. Các con số đều rất đáng báo động".
Tỉ lệ thừa cân béo phì gia tăng, đi cùng với nó là các bệnh không lây liên quan đến thói quen, hành vi ăn uống như tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý về tim mạch, thậm chí ung thư,… Đặc biệt, 70% trẻ em bị béo phì khi lớn lên thành người trưởng thành cũng có nguy cơ bị béo phì. – GS Hương nhấn mạnh.
Các chuyên gia y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng thừa cân béo phì đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, lười vận động, hoặc các nguyên nhân di truyền, nội tiết. Nhưng nguyên nhân chủ yếu của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.
Để phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, trong đó có thừa cân béo phì, ThS Trần Văn Mạnh - Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý, cùng đó cần khuyến khích các hoạt động và phong trào luyện tập thể dục, thể thao cho cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên để duy trì lối sống lành mạnh...
Đâu là giải pháp?
Để tránh trở thành nạn nhân của thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây khác, mỗi người cần thực hiện chế độ ăn phù hợp với từng bữa ăn lành mạnh.
Theo các chuyên gia, bữa ăn lành mạnh là bữa ăn cung cấp đầy đủ, cân đối, hợp lý các chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, chất bột đường), vitamin và khoáng chất, thực phẩm chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không trở thành nguồn gây bệnh.
Bên cạnh đó, người chế biến bữa ăn phải biết lựa chọn thực phẩm vệ sinh, an toàn, tươi, ngon, không sử dụng thực phẩm hết hạn, không để rau lâu ngày, không chế biến thức ăn quá sớm trước khi ăn...
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, bữa sáng với một phần bánh mì hamburger có thể khiến bạn nạp nhiều dầu mỡ và tinh bột mà thiếu rau xanh, hoặc bữa trưa với một phần gà rán, khoai tây chiên kèm theo một ly nước ngọt (ví dụ điển hình cho việc tiêu thụ năng lượng rỗng) chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng giàu năng lượng như chất béo, đường đơn giản nhưng không có vitamin và khoáng chất để có thể chuyển hóa được các chất dinh dưỡng này. Vì vậy tất cả năng lượng cơ thể nạp vào đều sẽ được tích trữ thành mỡ thừa của cơ thể.
Trong khi đó, bữa tối muộn với nhiều món xào, nướng, sử dụng quá nhiều dầu mỡ kèm nước uống có cồn khiến cơ thể không chỉ tích tụ một lượng lớn năng lượng thừa từ dầu mỡ và cồn mà còn phải oằn mình "giải độc". Lâu dần, thói quen ăn uống kiểu này sẽ đẩy cơ thể đến gần hơn với nguy cơ thừa cân béo phì và gánh nặng bệnh tật về sau.
Bên cạnh đó, thói quen ăn vặt với snacks, bánh kẹo, nước ngọt dễ khiến cơ thể nạp thừa năng lượng rỗng, tinh bột và đường mà thiếu chất xơ, vitamin.
PV