Giảm tai nạn lao động - Cách gì?

14-03-2016 07:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới đây, tình hình tai nạn lao động năm 2015 diễn biến ở mức rất nghiêm trọng, tăng cả về số vụ cũng như số người chết. Tuy nhiên, con số 7.620 vụ và 666 người chết xảy ra trong năm chưa phản ánh đúng thực tế, bởi nhiều vụ tai nạn lao động đã không được báo cáo và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Cũng theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trong 3 năm gần đây, tình hình tai nạn lao động luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2014, số vụ tai nạn là trên 6.700 vụ nhưng sang năm 2015 tăng lên trên 7.600 vụ, số người chết trong năm 2014 là 630 người và đến năm 2015 đã tăng 666 người với mức tăng 6,2%.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số được doanh nghiệp (DN) báo cáo và thanh tra lao động thống kê, các DN nhỏ, DN tư nhân hầu như không báo cáo vì nhiều người hiểu quy định của luật lao động quản lý các DN mang tính chất là có quan hệ lao động. Chính vì thế mà trong quá trình thống kê báo cáo, mặc dù có hướng dẫn, có quy định nhưng thường chỉ những DN lớn, DN FDI, các DN liên doanh báo cáo, còn đa số các DN vừa và nhỏ thường không báo cáo. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều chủ sử dụng lao động chưa hiểu đúng hoặc không tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn lao động nên dẫn đến tình trạng vẫn còn nhiều tai nạn xảy ra nhỏ lẻ nhưng chưa được thống kê.

Để xảy ra những tồn tại trên, theo Thanh tra Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có nhiều lý do, thứ nhất là đối với người lao động trong quá trình lao động không được chủ sử dụng ký hợp đồng lao động để giảm các chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..., khi xảy tai nạn lao động, chủ lao động thường đền bù một khoản thỏa đáng nhất định để bưng bít thông tin; thứ hai là đối với các DN nhà nước còn nặng về hình thức thi đua khen thưởng, nếu có tai nạn lao động xảy ra được báo cáo thì toàn bộ thi đua khen thưởng của năm ấy bị cắt; bên cạnh đó, chế tài xử phạt, việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các vụ tai nạn lao động chưa được thực hiện một cách nghiêm túc, cụ thể là trong nhiều năm qua số vụ tai nạn nghiêm trọng bị đưa ra truy tố chưa đầy 3%.

Một vấn đề đặt ra nữa là sở dĩ số vụ tai nạn lao động được đưa ra truy tố chỉ chiếm khoảng 2-3% trong tổng số các vụ tai nạn lao động bởi theo quy định, chỉ truy tố các vụ tai nạn lao động nếu nguyên nhân do người sử dụng lao động, tuy nhiên  điều tra nguyên nhân tai nạn lao động thông thường là lỗi hỗn hợp chứ không phải chỉ riêng do người sử dụng lao động.

Tai nạn lao động gây thiệt hại về người và tài sản hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, người bị tai nạn lao động không chỉ là gánh nặng cho gia đình mà cả xã hội. Chính vì vậy, bên cạnh việc mỗi DN, người lao động cần chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ thì các cơ quan chức năng cần thường xuyên thanh kiểm tra, xử lý, yêu cầu các DN khắc phục những tồn tại nhằm bảo vệ cho chính DN và người lao động.


Minh Hằng
Ý kiến của bạn