Ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 92/QĐ -TTg phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế trước mắt tập trung giải quyết giảm quá tải ở 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của 2 TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đồng thời nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Các bác sĩ Bệnh viện Mắt TW chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Điện Biên. Ảnh : Q.M
Phấn đấu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải
Nội dung trên nằm trong Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án giảm quá tải bệnh viện được thực hiện với mục tiêu từng bước giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú; cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép giường vào năm 2015; phấn đấu từ năm 2020 trở đi không còn tình trạng quá tải bệnh viện. Trong đề án, Thủ tướng yêu cầu giảm công suất sử dụng giường bệnh của các bệnh viện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (trên 120%) thuộc tuyến TW và các bệnh viện tuyến cuối của 2 thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xuống dưới 100%. Nâng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hiện có công suất sử dụng giường bệnh thấp đạt 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Thủ tướng cũng yêu cầu giảm thời gian và lưu lượng người chờ khám bệnh tại Khoa Khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao; bảo đảm mỗi bác sĩ khám dưới 50 người bệnh/ngày làm việc vào năm 2015 và dưới 35 người bệnh/ngày làm việc vào năm 2020. Theo đề án, Bộ Y tế sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh cho 5 chuyên khoa nói trên. Cụ thể, đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng các bệnh viện thuộc phạm vi đề án, đến năm 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh.
Trước hết để giảm tải bệnh viện ở 5 chuyên khoa “nóng” trên, Bộ Y tế cần ưu tiên tăng thêm số giường bệnh ở tuyến tỉnh và thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh của 5 chuyên khoa trên theo hướng lấy một số bệnh viện tuyến TW, bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm bệnh viện hạt nhân; đồng thời phát triển một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện làm bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện hạt nhân; phấn đấu mỗi chuyên khoa nêu trên có từ 15 bệnh viện, khoa vệ tinh trở lên. Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh nhằm từng bước giảm số lượng người bệnh từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên tuyến trên thông qua các hoạt động: Đào tạo cán bộ y tế và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các bệnh viện vệ tinh; tư vấn khám, chữa bệnh từ xa giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục cải tạo, mở rộng và từng bước hiện đại hóa khoa khám bệnh của các bệnh viện hiện có công suất sử dụng giường bệnh quá cao ở tuyến trung ương và tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Khoa Khám bệnh được đầu tư cải tạo theo hướng lịch sự, thân thiện để đón tiếp bệnh nhân.
Tăng cường công tác quản lý và nâng cao toàn diện chất lượng BV
Tập trung đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ quản lý của BV hiện có công suất sử dụng quá cao; cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp cân đối giường bệnh giữa các chuyên khoa trong bệnh viện để tăng giường bệnh cho các chuyên khoa đang có công suất sử dụng giường bệnh quá cao. Tiếp tục thực hiện việc luân phiên, luân chuyển cán bộ chuyên môn từ tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng bệnh viện tuyến dưới. Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tăng cường điều trị ngoại trú để giảm số người điều trị nội trú, giảm số ngày điều trị nội trú trung bình hợp lý tại các bệnh viện quá tải...
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng phê duyệt theo thẩm quyền: Đề án thành lập và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên cho 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi; Đề án thí điểm xây dựng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; Đề án quản lý chất lượng bệnh viện; Quy hoạch mạng lưới phát triển bệnh viện của các chuyên khoa ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi. Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các địa phương xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020 trình Thủ tướng xem xét và quyết định...
Hội chẩn từ xa giữa Bệnh viện Bạch Mai với các bệnh viện tuyến dưới.
Thủ tướng yêu cầu, xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với các cơ sở y tế sẵn có để tăng cường năng lực quản lý, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân và gia đình họ. Trước mắt, từ năm 2013 đến năm 2015, thí điểm thành lập mạng lưới phòng khám bác sĩ gia đình tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng các đề án giảm tải đã được phê duyệt theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xem xét việc mở mã ngành đào tạo bác sĩ gia đình theo quy định của Luật Giáo dục; Phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng y dược tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo một số chuyên ngành y, dược phục vụ cho mục tiêu giảm quá tải bệnh viện.
Đề án được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 2013 - 2015, tập trung ưu tiên đầu tư các bệnh viện tuyến TW, bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiếp tục đầu tư cho các bệnh viện thuộc phạm vi đề án từ Trung ương đến địa phương.
Anh Tuệ
- Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế, chỉ đạo hướng dẫn các cơ quan truyền thông tăng cường các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức người dân về phòng bệnh chủ động, tạo lòng tin và sự ủng hộ của người dân đối với việc thực hiện Ðề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020. - Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, ưu tiên bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách địa phương hàng năm để thực hiện đầu tư phát triển bệnh viện và nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện... |
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB, Bộ Y tế: Đề án thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với công tác y tế cho người dân Ngành y tế và hệ thống khám chữa bệnh rất phấn khởi khi Đề án giảm tải bệnh viện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, Chính phủ và Thủ tướng luôn quan tâm, động viên, theo dõi hoạt động của ngành y tế, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các chính sách an sinh xã hội nhằm đem lại nền y tế hiện đại đến với mọi người dân. Người bệnh đến cơ sở y tế cần được quan tâm và chăm sóc chu đáo, được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản và cần thiết. TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Thành phố dành nhiều ưu tiên để phát triển y tế Hiện nay, tại các BV chuyên khoa của thành phố, công suất sử dụng giường bệnh quá tải trên 120%. Còn BV tuyến huyện cũng không tránh khỏi tình trạng quá tải, tuy có thấp hơn so với BV tuyến thành phố. Theo quy hoạch, giai đoạn 2011 - 2015, ngành y tế Hà Nội đã và sẽ triển khai các dự án nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị của các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa trên địa bàn với tổng kinh phí 800 tỷ đồng và dự án nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị các trạm y tế xã/phường/thị trấn đạt Chuẩn quốc gia y tế xã (theo chuẩn mới của Bộ Y tế) với kinh phí dự kiến khoảng 70 tỷ đồng, còn lại sẽ phân cấp cho quận, huyện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Phạm Xuân Kôi: Đây là cơ sở để BV nỗ lực giảm tải Thực hiện Quyết định số 92 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giảm quá tải bệnh viện, chúng tôi hy vọng đây là cơ sở để các BV nỗ lực trong điều kiện của mình thực hiện nhanh chóng giảm quá tải. Tại Điện Biên, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị và được Bộ Y tế, Bệnh viện Việt Đức chấp thuận lựa chọn Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên làm BV vệ tinh, đây là cơ hội tốt để tỉnh Điện Biên được tư vấn trang thiết bị cho BV đa khoa tỉnh và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối với các BV, để người dân tiếp cận được y tế kỹ thuật cao, không phải lặn lội đường sá xa xôi về Hà Nội. TS. Nguyễn Trường Sơn, GĐ BV Chợ Rẫy: Năm 2012, bệnh nhân nội trú giảm, ngoại trú tăng Chúng tôi rất vui mừng khi đón nhận tin Thủ tướng phê duyệt Đề án giảm tải bệnh viện. Thời gian qua được sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Y tế, BV đã thực hiện nhiều biện pháp phối hợp. Trong nội viện, tăng thời gian khám bệnh, giảm thời gian điều trị hợp lý còn 7,4 ngày... Kê thêm giường bệnh. Lượng bệnh nhân nội trú giảm 5 %. Lượng bệnh nhân ngoại trú tăng khoảng 5%. Trong ngày lễ, ngày cuối tuần, lãnh đạo các khoa, phòng vẫn bố trí đi buồng và cho ra viện... Tăng cường các hoạt động chỉ đạo tuyến, theo tính toán của chúng tôi đã giảm được 16 - 20% lượng bệnh nhân phải chuyển lên BV. Bệnh viện đã, đang thực hiện BV vệ tinh cho 6 BV phía Nam ở 8 chuyên khoa. |