Hà Nội

Giảm tải bệnh viện: Từ đề án đến thực tiễn

26-01-2015 07:29 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS- Ba bệnh viện nổi tiếng về tình trạng quá tải, Viện Nhi, Viện K, Viện Nội tiết đa chính thức đưa ra cam kết “không để bệnh nhân nằm ghép”.

Ba bệnh viện nổi tiếng về tình trạng quá tải, Viện Nhi, Viện K, Viện Nội tiết đa chính thức đưa ra cam kết “không để bệnh nhân nằm ghép”. Trước thông tin trên, phóng viên (PV) báo SK&ĐS có cuộc trao đổi với PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư quốc gia về vấn đề giảm tải.

PGS.TS. Trần Văn Thuấn

PV: Ông có thể cho biết ý kiến của mình về kế hoạch giảm tải của Bộ Y tế?

PGS.TS. Trần Văn Thuấn: Tôi cho rằng kế hoạch này hoàn toàn khả thi. Đề án giảm tải của Bộ Y tế đã, đang và sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, điển hình trong đó là giảm tải ở một số bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương...

PV: Ở góc độ một nhà quản lý, một bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh, ông có đề xuất gì để việc giảm tải khả thi?

Tôi cho rằng, chúng ta phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp bao gồm:

- Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng số giường bệnh ở các tuyến.

- Tiếp tục cải cách hành chính để người dân đến khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế được thuận tiện hơn.

- Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, đặc biệt là ở tuyến dưới, để cán bộ tuyến dưới có thể triển khai được phần lớn các kỹ thuật của tuyến trên thông qua các đề án bệnh viện vệ tinh, đề án khu vực đồng bằng sông Hồng, Đề án 1816...

- Tăng cường công tác truyền thông để người bệnh hiểu rằng không phải bệnh gì cũng phải lên tuyến trên mới điều trị được. Ví dụ viêm ruột thừa bệnh viện tuyến huyện hoàn toàn có thể làm được với kết quả tương đương và thời gian điều trị chắc chắn sẽ nhanh hơn và ít tốn kém hơn.

- Cần chỉ đạo sát sao kết hợp với giám sát công tác phân tuyến kỹ thuật, nhất là với tuyến trên. Với các kỹ thuật đã có ở tuyến dưới và tuyến dưới làm được nên chuyển về tuyến dưới, như vậy nếu được tiến hành thường xuyên sẽ thành thói quen cho các tuyến và người dân cũng sẽ biết và sẽ hạn chế lên tuyến trên hơn.

- Tiếp tục nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, cần có tư tưởng “lấy người bệnh làm trung tâm”.

PV: Được biết, Bệnh viện K là một trong những bệnh viện chính thức đưa cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, xin ông cho biết bệnh viện có những giải pháp gì và lộ trình ra sao để thực hiện cam kết trên?

Được sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, toàn bộ hệ thống chính trị của bệnh viện đã vào cuộc, ngày 19/8/2012, bệnh viện đã triển khai thêm tại cơ sở Tân Triều với quy mô 300 giường bệnh. Tiếp theo đó, tháng 6/2013, chúng tôi nâng số giường bệnh ở đây lên 700 giường. Trong khi chờ có máy xạ trị trang bị tại đây, chúng tôi triển khai trước khối nội và khối ngoại, khi có chỉ định xạ trị người bệnh sẽ được chuyển chính tới các cơ sở lân cận như Bệnh viện phóng xạ và ung bướu quân đội, các bác sĩ xạ trị Bệnh viện K cũng được phân công làm việc ở đây với mục đích vừa giảm tải cho Bệnh viện K vừa chuyển giao được kỹ thuật cho bệnh viện bạn, một số ít được chuyển tới cơ sở Tam Hiệp và Quán Sứ của bênh viện để xạ trị. Khi triển khai cơ sở mới, hầu hết các cán bộ có nhiều kinh nghiệm, uy tín được chuyển tới đây tạo một sức hút đáng kể với người bệnh để giảm tải cho cơ sở Quán Sứ. Cũng tại cơ sở mới, nhiều quy trình khám, chữa bệnh được cải tiến, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin đã giảm đáng kể thời gian chờ đợi của người bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục làm tốt các đề án Bộ Y tế giao cho như Đề án 1816, Đề án bệnh viện vệ tinh như chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo nhân sự cho BVĐK Phú Thọ, BVĐK Bãi Cháy, BVĐK Ninh Bình, BVĐK Nghệ An, BVĐK Hòa Bình, BVĐK Bắc Ninh. Nhiều chuyên gia của bệnh viện xuống các cơ sở để chuyển giao nhiều kỹ thuật cho các tỉnh, qua đó các tỉnh này tự làm được nhiều kỹ thuật, đặc biệt là xạ trị sau khi được chuyển giao. Hiệu quả của việc chuyển giao này phần nào giúp được giảm tải tại Bệnh viện K. Một trong các giải pháp cốt yếu là nhân lực. Chúng tôi đã tiên liệu được trước nên đã chú tâm tới việc đào tạo nguồn nhân lực của chính bệnh viện từ nhiều năm nay. Chính vì vậy, công tác triển khai thêm cơ sở mới hoàn toàn suôn sẻ và nhanh chóng. Cho tới nay, việc quá tải ở Bệnh viện K đã cơ bản được giải quyết. Tháng 1/2015, máy xạ trị đầu tiên sẽ được triển khai tại Tân Triều và cũng trong năm nay được sự đầu tư của Bộ Y tế sẽ có thêm 2-4 máy xạ trị nữa, kết hợp với triển khai thêm 300 giường nâng tổng số giường bệnh tại Tân Triều lên 1.000 giường và như vậy việc giảm tải sẽ hoàn toàn được giải quyết.

PV: Ông có thể cho biết đâu là những khó khăn trong quá trình thực hiện giảm tải bệnh viện?

PGS.TS. Trần Văn Thuấn: Tôi cho rằng khó khăn nhất vẫn là kinh phí và nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao, đối với chuyên ngành ung thư phải nhiều năm sau tốt nghiệp, học chuyên khoa mới có thể làm việc được độc lập. Bên cạnh đó, việc tư tưởng của cán bộ quá quen với cơ sở cũ không muốn chuyển tới cơ sở mới cũng là một cản trở nhỏ. Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống kết hợp với công tác tuyên truyền, giải thích cho cán bộ nên về cơ bản vấn đề này đã được giải quyết, hiện tại các cán bộ công tác tại cơ sở mới hết sức vui vẻ, phấn khởi.

PV: Xin cảm ơn ông!

Yến Châu (thực hiện)

 

Mời tham gia diễn đàn:  Giảm tải bệnh viện

Giảm tải bệnh viện là chủ trương lớn của ngành y tế, giai đoạn 2011 - 2016.

Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị”, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Báo Sức khỏe&Ðời sống triển khai Diễn đàn “Giảm tải bệnh viện” với mong muốn có nhiều ý kiến tham gia nhằm giúp công tác giảm tải bệnh viện đạt kết quả tốt hơn.

Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học.

 

 

 


Ý kiến của bạn