Giảm tải bệnh viện: Người dân hãy yên tâm về tuyến dưới

07-02-2015 12:50 | Thời sự
google news

SKĐS -Những băn khoăn, lo ngại của người dân về việc quyền lợi liệu có bị ảnh hưởng khi các bệnh viện ký cam kết không còn nằm ghép, rồi việc nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở... đã được đặt ra trong chương trình Tọa đàm trực tuyến: Giảm tải bệnh viện - cam kết vì người bệnh.

Chương trình do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây với sự tham gia của Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên và lãnh đạo một số bệnh viện tuyến TW.

Tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực giảm tải bệnh viện

Đánh giá về sự kiện 16 bệnh viện ký cam kết không còn tình trạng bằm ghép, ông Nguyễn Văn Tiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Khi nghe tin hơn 10 BV trung ương cam kết giảm tải không để bệnh nhân nằm ghép chúng tôi rất mừng vì sự cố gắng tích cực của lãnh đạo BV, ngành Y tế".

“Trong các phiên họp của Quốc hội chúng tôi luôn chất vấn, nêu các vấn đề về việc mỗi chính sách, chủ trương chúng ta ban hành phải có chỉ tiêu, cam kết cụ thể chứ không chỉ nói chung chung rằng sẽ thu hẹp phòng hành chính, mở rộng phòng khám, phòng điều trị để giảm tải mà phải có chỉ tiêu cụ thể, có thể định lượng được. Và những cam kết cụ thể không để bệnh nhân nằm ghép của hơn 10 BV trung ương là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực giảm tải BV của ngành Y tế, là biện pháp quản lý Nhà nước rất hữu hiệu”- ông Tiên nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm: Giảm tải bệnh viện- Cam kết vì người bệnh

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm: Giảm tải bệnh viện- Cam kết vì người bệnh

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Tiên lại cho rằng, khi các BV đã cam kết giảm tải, không nằm ghép thì Bộ Y tế phải ủng hộ chứ không chỉ nói suông.

Theo ông Tiên, Bộ Y tế nên có quy định để cấp huyện, xã cấp được cấp thuốc chứ không chỉ có BV Trung ương được cấp. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để thay bằng việc bệnh nhân hàng tháng phải "rồng rắn" lên Trung ương xếp hàng khám chữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp, lĩnh thuốc, thì nay họ chỉ phải đi khám 1-2 lần/năm ở tuyến trung ương.

Lần đầu tiên khám để kiểm tra, sau đó, 10 tháng còn lại lĩnh thuốc ở huyện, xã, sau đó tháng 12 tiếp tục lên tuyến trung ương kiểm tra lại. Nếu làm được như vậy, có thể giảm tải rất lớn cho người bệnh.

Mong mỏi của bệnh nhân sẽ được thực hiện trong thời gian rất gần

Tại buổi tọa đàm, một bệnh nhân ung thư đã gửi câu hỏi đến lãnh đạo Bộ Y tế: “Tôi thấy, những bệnh nhân ung thư như tôi vốn đã rất khốn khổ với việc đấu tranh giành sự sống nhưng còn khốn khổ hơn khi phải nằm 2-3 người/giường, sinh hoạt khó khăn, bất tiện. Mong mỏi lớn nhất của gia đình tôi cũng như nhiều người bệnh ung thư lúc này là 1 bệnh nhân/giường, nhưng điều đó dường như còn xa vời. Vậy tôi xin hỏi lãnh đạo Bộ Y tế, thời gian còn lại của bệnh nhân ung thư không nhiều, liệu tôi có chờ được đến lúc mỗi bệnh nhân/giường không?”

Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nói: Mong mỏi của bệnh nhân sẽ được thực hiện trong thời gian rất gần. Hiện nay, về lĩnh vực ung bướu, theo Quyết định của Chính phủ, nhiều địa phương đã xây dựng, thành lập trung tâm, khoa ung bướu.

Bên cạnh đó, hiện nhiều BV tuyến cuối như BV K, BV Ung bướu TP.HCM đang thực hiện đề án giảm tải, đề án BV vệ tinh và đề án 1816 nên nhiều BV tuyến dưới đã thực hiện được kỹ thuật cao, kỹ thuật mới ngay tại tuyến tỉnh.

 

Cháu bé điều trị tại khoa Hô hấp- BV Nhi TW đã được nằm một mình/giường bệnh
Cháu bé điều trị tại khoa Hô hấp- BV Nhi TW đã được nằm một mình/giường bệnh

"Với cơ sở điều trị ung bướu lớn nhất khu vực phía Bắc là BV K, cơ sở Quán Sứ- Hà Nội, lãnh đạo BV đang phấn đấu đến ngày 27/2 sẽ ký cam kết cơ sở 1, cơ sở 2 không nằm ghép còn cơ sở 3 sẽ phấn đấu như vậy vào dịp 19/5", Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đưa ra thông tin.

Tại buổi tọa đàm, rất nhiều lo ngại được gửi đến lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo BV về việc các cơ sở y tế có vì chạy theo thành tích mà ký cam kết, sau đó đẩy phần "khó" về cho bệnh nhân. Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Bộ Y tế rất tin tưởng các BV ký cam kết. Ví dụ như lãnh đạo BV Việt Đức, không chỉ thời điểm này BV mới thực hiện việc giảm tải mà ngay từ mấy năm trước BV Việt Đức đã có chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề này. BV Nhi Trung ương thời gian vừa qua cũng có đủ điều kiện để cam kết.

Những bệnh nhân tiên lượng có vấn đề chúng tôi không bao giờ chuyển về tuyến dưới...

Một vấn đề nữa mà dư luận cũng đang rất băn khoăn, để chống nằm ghép, sẽ có những bệnh nhân sau khi điều trị (như phẫu thuật…) phải chuyển về các cơ sở tuyến dưới để được chăm sóc, trong khi một số cơ sở tuyến dưới chưa tạo được niềm tin cho người bệnh, họ lo ngại bị biến chứng hoặc nhiễm trùng... Vậy, BV có biện pháp hay cơ chế giám sát như nào để đảm bảo chất lượng điều trị cho những bệnh nhân này?

Ông Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, "băn khoăn này không chỉ của nhân dân mà còn của các nhà quản lý. Nhưng với chúng tôi thành quả cao nhất là chữa bệnh và đảm bảo khỏi bệnh nên chúng tôi chuyển người bệnh về đâu là đảm bảo nơi đó đã được Bộ Y tế cho phép điều trị và đã được chúng tôi thẩm định kết quả điều trị".

Dẫn chứng từ thực tiễn công tác khám chữa bệnh của bệnh viện, ông Quyết cho biết, năm 2014, có 3 vụ “nổi cộm” về sức khỏe của người dân cần có sự vào cuộc của ngành ngoại khoa: Vụ nổ nhà máy sản xuất pháo hoa ở Phú Thọ; sập cầu ở Lai Châu ; ô tô lao xuống vực ở Lào Cai. Nhưng khi cán bộ, bác sỹ BV Việt Đức được điều đến các nơi đó thì gần như các nạn nhân đã được điều trị tương đối tốt. Chúng tôi chỉ xử lý những ca khó. Đấy là thành quả của ngành ngoại khoa nói riêng và thành quả của Bộ Y tế khi chúng ta thực hiện chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên bệnh viện tuyến TW đã mạnh dạn ký cam kết BV không nằm ghép đợt 1

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nên bệnh viện tuyến TW đã mạnh dạn ký cam kết BV không nằm ghép đợt 1

"Chúng tôi đảm bảo bệnh nhân chúng tôi chuyển về đâu là nơi đó đủ khả năng điều trị. Còn những bệnh nhân tiên lượng có vấn đề chúng tôi không bao giờ chuyển về tuyến dưới", ông Quyết thẳng thắn

Ông Quyết cũng cho hay: “Chúng tôi đã đào tạo cho các bệnh viện vệ tinh, 6 bệnh viện vệ tinh đã thực hiện rất hiệu quả. Chỉ nói đơn giản như Bệnh viện Phú Thọ tỷ lệ chuyển tuyến từ 100%, sau khi thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh đã chỉ còn khoảng 10-15%”.

Với băn khoăn của một độc giả ở Thanh Hóa về việc con gái của chị bị suy thận mạn tính, đang điều trị tại BV Nhi Trung ương. Do bệnh tình của cháu chỉ phải chạy thận 3 lần/tuần tại BV nên cháu phải ra ở ngoại trú. Vì sức khỏe cháu không đảm bảo, đi đi về về rất khó khăn nên gia đình phải thuê trọ ở gần BV, tăng chi phí.

Bên cạnh đó trước đây, được điều trị nội trú, khi con bị sốt hay có hiện tượng gì bất thường thì có thể gọi ngay bác sỹ, nhưng nay phải ra ở ngoại trú, có vấn đề gì thì lại phải mất thời gian cho cháu nhập viện. Chị lo ngại rằng liệu quyền lợi của những bệnh nhân như con gái chị có phải bị "thu hẹp" do việc ký cam kết không nằm ghép của BV.

Trước lo ngại từ thực tiễn này, ông Lê Thanh Hải- giám đốc BV Nhi TW cho biết, các bệnh mạn tính hoặc các bệnh phải phục hồi chức năng gần như suốt đời. Nhưng khi tình trạng bệnh nhân đã ổn định thì có thể hướng dẫn chăm sóc tại nhà, tại cộng đồng, tại tuyến dưới. Tuy nhiên, trường hợp con của chị mắc bệnh suy thận mạn tính, không còn biện pháp nào ngoài chạy thận nhân tạo.

Cũng theo ông Hải, chạy thận nhân tạo cho nhi khoa khó hơn rất nhiều so với người lớn. Trong tương lai BV Nhi Trung ương sẽ chuyển giao kỹ thuật này cho BV vệ tinh, BV tuyến dưới. Nhưng hiện trong thực tiễn còn nhiều cái khó nên bệnh nhân vẫn phải chờ.

 

Theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, nhằm thực hiện cam kết không nằm ghép, nhiều bệnh viện đã kê cả giường ra ngoài hành lang để bệnh nhân nằm. Tuy nhiên theo nhiều bệnh nhân, trong điều kiện giá rét như những ngày vừa qua, khi cơ thể đang ốm yếu mà phải nằm hành lang, thà rằng họ nằm ghép .

Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết: Một số BV khi bệnh nhân vào viện thì chưa đủ giường có thể trong thời gian 24 tiếng, các BV mới thu xếp đủ giường bệnh cho bệnh nhân. Cho nên cũng có trường hợp kê thêm giường ngoài hàng lang, nhưng thực tế tại nhiều BV hành lang cũng rất khang trang, rộng rãi, có thể kê giường cho bệnh nhân nằm tạm và sau 24 tiếng thì BV sắp xếp để chuyển vào buồng bệnh.

 

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn