Giảm tải bệnh viện không tách rời trách nhiệm của chính quyền và y tế cơ sở

30-11-2012 13:06 | Tin nóng y tế
google news

Bộ Y tế với nỗ lực của mình đã, đang phối hợp với nhiều bộ, ngành thực hiện nhiều biện pháp giảm tải bệnh viện. Hiệu quả của việc giảm tải bệnh viện đã từng bước giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở nhiều địa phương.

Bộ Y tế với nỗ lực của mình đã, đang phối hợp với nhiều bộ, ngành thực hiện nhiều biện pháp giảm tải bệnh viện. Hiệu quả của việc giảm tải bệnh viện đã từng bước giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ở nhiều địa phương. Để làm rõ hơn công tác giảm tải trong thời gian qua, phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế về vấn đề này.

Giảm tải bệnh viện không tách rời trách nhiệm của chính quyền và y tế cơ sở 1
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê

PV: Thưa Cục trưởng, nhìn lại những năm qua, Bộ Y tế đã, đang thực hiện nhiều biện pháp giảm tải bệnh viện, ông có thể nói điều gì?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Trước hết, phải nhìn nhận công bằng, hoạt động của y tế Việt Nam những năm vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Vì lẽ đó, thời gian qua, tuổi thọ người dân được tăng lên đáng kể,  tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận nền y tế của đất nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập. Về mô hình bệnh tật: Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác hiện đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Tỷ lệ mắc bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức khá cao, trong khi nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh, đồng thời, một số bệnh lây nhiễm có tỷ lệ gia tăng: tay - chân - miệng, quai bị, thủy đậu… Nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng có nhiều thay đổi. Với trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, việc tiếp cận dễ dàng với các thông tin về bệnh tật, về phương pháp chẩn đoán, điều trị mới, giao thông thuận lợi, người dân luôn mong muốn, đòi hỏi được chẩn đoán, điều trị bằng các kỹ thuật tốt hơn, được chăm sóc vào thời điểm thuận lợi hơn, thái độ phục vụ ân cần, chu đáo, bệnh phòng đầy đủ tiện nghi hơn, phương thức quản lý và chi trả viện phí giản tiện hơn, sẵn sàng từ chối những dịch vụ y tế mà hiệu quả không rõ ràng, lựa chọn các sơ sở khám, chữa bệnh mà bản thân cho là tốt hơn. Các cơ sở khám, chữa bệnh đã và đang nỗ lực để có thể từng bước đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người bệnh và cộng đồng. Trong khi đó, bất cập về nguồn nhân lực vẫn đang ảnh hưởng nhiều đến năng lực khám chữa bệnh của ngành y tế như: Số lượng nhân lực y tế cho lĩnh vực khám chữa bệnh còn thiếu so với định mức biên chế và nhu cầu thực tế. Số bác sĩ trong cả nước đạt 6,59 bác sĩ/1 vạn dân. Đây là một tỷ lệ thấp so với nhiều nước trong khu vực. Và nữa, kinh phí chi cho y tế ở nước ta mới đạt 58,3 USD/đầu người, thấp hơn so với Thái Lan là 136,5 USD… Đa số cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn làm việc trong môi trường trang thiết máy móc khám chữa bệnh thiếu thốn, lạc hậu, không có thầy hướng dẫn, không có điều kiện tiếp cận với các phương pháp chẩn đoán, điều trị tiên tiến, điều kiện học tập hạn chế dẫn tới trình độ chuyên môn hạn chế. Vấn đề quá tải ở bệnh viện tuyến trên trong nhiều năm qua đã và đang là vấn đề nổi cộm: 2 - 3 người bệnh chung một giường là tình trạng diễn ra ở nhiều bệnh viện tuyến TW và tuyến tỉnh, công suất giường bệnh lên tới 120-160%, đặc biệt tại các bệnh viện TW ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, đối với các chuyên khoa ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi… như: K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ…, công suất sử dụng giường vượt 165%, thậm trí trên 200%, trong khi đó, quy mô giường bệnh chưa đáp ứng, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực, năm 2010 mới đạt 20,5 giường bệnh/vạn dân. Khắc phục tình trạng trên, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu của nhân dân và giảm quá tải bệnh viện. Tăng cường ngân sách cho bệnh viện, thông qua tăng cường chi tiêu giường bệnh kế hoạch; vay vốn ngân hàng hoặc liên doanh với đối tác trong nước và ngoài nước xây dựng thêm cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng qui mô bệnh viện; tăng cường điều trị ngoại trú; giảm ngày điều trị nội trú hợp lý; tích cực thực hiện cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh; tăng số phòng khám, giảm tải khoa khám bệnh; tăng ca, tăng giờ làm việc; triển khai một số mô hình dịch vụ mới trong khám, chữa bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực tuyến dưới thông qua việc tăng cường hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, đôn đốc, theo dõi đánh giá hiệu quả hoạt động chuyên môn của các bệnh viện tuyến trên đối với các bệnh viện tuyến dưới, khắc phục những hạn chế về nhân lực, về năng lực tuyến dưới; luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới theo Đề án luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh khu vực miền Bắc chuyên ngành ngoại khoa, nội khoa.

PV: Được biết, Đề án Bệnh viện vệ tinh thực hiện tại phía Bắc do BV Bạch Mai và BV Việt Đức thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từ đó Bộ Y tế sẽ nhân rộng mô hình BV vệ tinh trong cả nước, ông có thể chia sẻ điều gì về Đề án Bệnh viện vệ tinh này?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Giảm tải bệnh viện được sự chỉ đạo rất sát sao của đồng chí Bộ trưởng Y tế, qua đó, tìm giải pháp thực hiện đồng bộ các giảm quá tải bệnh viện, và thực tế, thời gian qua, đồng chí Bộ trưởng đã trực tiếp khảo sát tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội, TP.HCM cũng như làm việc với lãnh đạo UBND của 2 thành phố lớn nhất nước này để cùng với các địa phương tìm khâu đột phá mạnh mẽ, từng bước giảm quá tải bệnh viện. Đề án Bệnh viện vệ tinh, phạm vi thực hiện tại một số bệnh viện khu vực miền Bắc do BV Bạch Mai và BV Việt Đức được giao nhiệm vụ thực hiện. Tại BV Việt Đức, tăng cường năng lực ngoại khoa cho 6 bệnh viện tuyến tỉnh phía Bắc về hai lĩnh vực phẫu thuật sọ não và phẫu thuật chấn thương (chi, bụng, ngực) nhằm góp phần giảm tình trạng quá tải của BV Việt Đức, đồng thời phát triển các trung tâm khu vực đủ khả năng giải quyết bệnh nhân chấn thương, góp phần phát triển ngành Ngoại khoa, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục phát triển các phẫu thuật chuyên sâu. Hoạt động chủ yếu: đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, kết nối mạng vi tính. Tại BV Bạch Mai, nâng cao năng lực chuyên môn về hồi sức cấp cứu, nội khoa, chẩn đoán hình ảnh, quản lý bệnh viện cho cán bộ y tế tại một số bệnh viện tuyến tỉnh phía Bắc nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người bệnh ngay tại cơ sở. Đề án BV vệ tinh của BV Bạch Mai, hoạt động chủ yếu: chuẩn hóa chương trình, tài liệu đào tạo, phác đồ điều trị, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn cung cấp trang thiết bị y tế; xây dựng, duy trì phát triển hệ thống công nghệ thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe. BV Việt Đức đã đào tạo được 46 phẫu thuật viên, 12 bác sĩ gây mê hồi sức, 40 điều dưỡng ngoại khoa, 23 y tá phụ gây mê và 25 y tá phòng mổ cho 6 BV vệ tinh. Cung cấp trang thiết bị cho các phòng mổ, củng cố, phát triển được 6 khoa ngoại tại 6 bệnh viện vệ tinh về ngoại khoa, hiệu quả Đề án được đánh giá qua việc tăng tỷ lệ bệnh khám, điều trị về ngoại khoa, đặc biệt bệnh nhân phẫu thuật tại 6 bệnh viện vệ tinh tăng dần qua các năm, giảm tỷ lệ chuyển tuyến rõ rệt. BV Bạch Mai đã chuyển giao 46 kỹ thuật, xây dựng, hoàn thiện chuẩn hóa 49 chương trình đào tạo, biên soạn in ấn 5 bộ tài liệu chuyên môn, xây dựng được 204 hướng dẫn điều trị, tổ chức được 121 khóa đào tạo nâng cao năng lực, 5.496 học viên của các bệnh viện vệ tinh và các bệnh viện tuyến dưới khác, tổ chức nhiều cuộc hội thảo nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ bệnh viện vệ tinh. Tổ chức nhiều loại hình đào tạo: đào tạo từ xa (E-learning), đào tạo tiền lâm sàng, kỹ năng mềm, phương pháp giảng dạy y học… Với Đề án BV vệ tinh, các bệnh viện được thụ hưởng đã được nâng cấp trang thiết bị hoàn chỉnh: các bệnh viện được trang bị 3 phòng mổ đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị hiện đại và hệ thống khí y tế đạt chuẩn. Đồng thời dự án cũng cung cấp các hệ thống, dụng cụ phẫu thuật nội soi, phẫu thuật thần kinh, chấn thương, mạch máu hiện đại và đồng bộ. Bên cạnh việc trang bị cho khu mổ, dự án cũng cung cấp trang thiết bị cho một đơn vị hồi tỉnh và hồi sức sau mổ. Mỗi bệnh viện vệ tinh về cơ bản được đầu tư gần 14 tỷ đồng tiền trang thiết bị hiện đại với chất lượng rất tốt; Tư vấn về trang thiết bị cho các bệnh viện vệ tinh, cung cấp nhiều trang thiết bị cho Trung tâm đào tạo, chỉ đạo tuyến của BV Bạch Mai và các đơn vị. Ngoài đào tạo, mua mới trang thiết bị, việc kết nối thông tin giữa các BV vệ tinh với nhau đã giúp ngắn khoảng cách về địa lý giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Song song với đó, những ca mổ khó được hội chẩn chung giữa các bệnh viện, giúp các thầy thuốc có thêm kinh nghiệm xử trí, được nhiều bệnh viện và Chính phủ đánh giá cao. Xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giữa BV Việt Đức, BV Bạch Mai và các bệnh viện vệ tinh hiện đang được ứng dụng phục vụ hoạt động chuyên môn, hội chẩn, tham vấn chuyên môn từ xa, thông tin tình hình chuyển tuyến, trao đổi, đào tạo… 6 bệnh viện vệ tinh của BV Việt Đức được trang bị 320 triệu tiền trang thiết bị đầu cuối có thể tích hợp với các thiết bị gây mê và phẫu thuật để truyền hình ảnh, âm thanh, thông số gây mê tới Trung tâm tư vấn của BV Việt Đức.

Giảm tải bệnh viện không tách rời trách nhiệm của chính quyền và y tế cơ sở 2
Đề án BV vệ tinh không chỉ chuyển giao kỹ thuật mà còn hỗ trợ trang thiết bị hiện đại cho bệnh viện tuyến dưới.

PV: Thành công của Đề án BV vệ tinh là rất rõ, tiếp nối những hiệu quả của các chương trình giảm tải đã, đang được Bộ Y tế nỗ lực thực hiện, thời gian tới, với trách nhiệm là đơn vị thường trực tham mưu giúp lãnh đạo Bộ Y tế về lĩnh vực khám chữa bệnh, Cục Quản lý khám chữa bệnh đã và sẽ làm gì để từng bước giảm tải bệnh viện, thưa ông?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Trên cơ sở kết quả đạt được của Đề án Bệnh viện vệ tinh của BV Việt Đức, BV Bạch Mai, Bộ Y tế tiếp tục xây dựng và phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc; tập trung xây dựng các Đề án bệnh viện vệ tinh đối với các chuyên khoa quá tải ở Hà Nội, TP.HCM như ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi… Phương thức thực hiện cần lồng ghép với nội dung của Đề án Bệnh viện vệ tinh (đối với đơn vị trong danh mục xây dựng Đề án Bệnh viện vệ tinh), lồng ghép với công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo theo Đề án 47, Đề án 930. Song song đó, ngoài nỗ lực của Bộ Y tế, không thể tách rời trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ ngành y tế các tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương mình.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã đưa vào sử dụng 100 giường tại BV Bạch Mai, 300 giường tại BV K TW, 500 giường tại BVĐK TW Quảng Nam... Để việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đi đôi với nâng cao chất lượng KCB, Bộ Y tế đã tập trung nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay, vốn xã hội hóa... đầu tư cho một số BV trọng điểm. Đồng thời, chỉ đạo các BV khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành tiếp 100 giường của BV Bạch Mai, các dự án vay vốn của BV Việt Đức, BV Tai mũi họng TW, BV Phụ sản TW...

Bên cạnh đó, chính các bệnh viện, giám đốc bệnh viện và các thầy thuốc trong phạm vi, khả năng trách nhiệm của mình, phải tận tâm, tận lực hết mình vì người bệnh. Nỗ lực vì sức khỏe của người bệnh, vì vinh dự, trách nhiệm của nghề nghiệp được xã hội tôn vinh, 2 chữ: thầy thuốc!

PV: Được biết, giá viện phí mới đã được điều chỉnh ở một số địa phương đang được sự quan tâm của dư luận và mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Chỉ thị số 05 về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ông có thể nói rõ hơn vì sao cần thiết phải ban hành Chỉ thị số 05?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng trong rất nhiều cuộc họp cũng như làm việc với các bệnh viện về tiếp tục nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 10/9/2012 yêu cầu: Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến tích cực triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể: nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế và các quy định về y đức; công khai giá dịch vụ y tế trên các bảng, tại khu vực dễ quan sát, dễ đọc, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân liên quan đến giá dịch vụ y tế mới; bố trí buồng khám, quầy phát thuốc, nơi thu viện phí để phù hợp với số người bệnh đến khám và giảm tối đa thời gian chờ của người bệnh; chủ động sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp để: sửa chữa, cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh và các buồng bệnh. Mua bổ sung, thay thế bàn, ghế, giường, tủ, dụng cụ khám bệnh, điều hòa nhiệt độ, quạt điện, chăn, ga, gối, đệm, quần áo người bệnh… tại khu vực khám bệnh và các buồng bệnh; bảo đảm dành tối thiểu 15% số thu khám bệnh, tiền giường bệnh theo giá dịch vụ mới để sửa chữa, cải tạo, mở rộng, nâng cấp, bổ sung thiết bị và các điều kiện phục vụ người bệnh; hạn chế tối đa tình trạng người bệnh nằm ghép… Tới đây, ngay trong tháng 12 này, Bộ Y tế sẽ tổ chức Hội nghị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với sự chủ trì của lãnh đạo Bộ Y tế và tham gia của các chuyên gia đến từ các nước để đóng góp những kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng khám, điều trị, đồng thời lãnh đạo Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ báo cáo kết quả bước đầu triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ trưởng Bộ Y tế… Thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ củng cố niềm tin vào hệ thống khám chữa bệnh sau khi điều chỉnh giá viện phí, đồng thời nhắc nhở lãnh đạo các Sở Y tế, giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện tốt yêu cầu, nhiệm vụ nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho người bệnh khi đến bệnh viện, rút ngắn thời gian ở khâu đón tiếp, thanh toán… nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế để người bệnh phải an tâm khi đến viện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Anh Tuệ (thực hiện)

 




Ý kiến của bạn