Hà Nội

Giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét theo 1-3-7

05-09-2018 14:36 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hiện nay các địa phương tại nước ta đang triển khai lộ trình loại trừ bệnh sốt rét đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 sẽ là một quốc gia không còn bệnh sốt rét.

Để thực hiện được kế hoạch này, việc giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét phải tiến hành theo mô hình 1-3-7 một cách chặt chẽ.

Giám sát, xử lý ổ bệnh sốt rét theo 1-3-7

Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét hiện nay phải thực hiện theo mô hình 1-3-7; có nghĩa là phải báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 1 ngày, điều tra trường hợp bệnh trong vòng 3 ngày, điều tra ổ bệnh và xử lý ổ bệnh trong vòng 7 ngày.

Giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét phải thực hiện theo mô hình 1-3-7.

Giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét phải thực hiện theo mô hình 1-3-7.

Báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 1 ngày: Quy định tất cả các trường hợp bệnh được chẩn đoán xác định hay nghi ngờ đều phải được thông báo cho hệ thống thông tin y tế hoặc trang thông tin điện tử qua mạng lưới công nghệ thông tin liên lạc trong vòng 24 giờ tính từ khi có chẩn đoán của nhân viên y tế tại địa phương. Lưu ý tất cả các trường hợp người bệnh có triệu chứng sốt với yếu tố dịch tễ nghi ngờ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế địa phương đều phải được xét nghiệm máu phát hiện ký sinh trùng sốt rét bằng kính hiển vi hoặc bằng xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Đối với những trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh phải được chỉ định điều trị ngay theo đúng phác đồ hướng dẫn. Do hiện nay tình hình sốt rét ở một số cơ sở đã giảm xuống tới mức độ thấp, thậm chí có nơi nhiều năm không ghi nhận được một trường hợp bệnh nào nên địa phương thường chủ quan, lơ là, chất lượng chẩn đoán bệnh giảm sút và không bảo đảm, nhất là ở tuyến dưới; vì vậy yêu cầu các cơ sở y tế xã, phường, thị trấn phải báo cáo đầy đủ các trường hợp bệnh được chẩn đoán xác định và trường hợp bệnh nghi ngờ để không bỏ sót, thời gian báo cáo phải thực hiện trong vòng 1 ngày qua hệ thống công nghệ thông tin y tế lên tuyến y tế quận, huyện, thị xã, thành phố bảo đảm kịp thời.

Điều tra trường hợp bệnh trong vòng 3 ngày: Sau khi nhận được báo cáo ở tuyến dưới, tất cả các trường hợp bệnh được chẩn đoán xác định và trường hợp bệnh nghi ngờ ở cơ sở tuyến đầu đều phải được trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thăm khám và xác nhận trong thời hạn 3 ngày để khẳng định, phân loại trường hợp bệnh và nguồn gốc nhiễm bệnh là sốt rét nội địa hay sốt rét ngoại lai. Phải bảo đảm thời gian yêu cầu điều tra, xác minh, không được chậm trễ do bất kỳ một lý do nào khi nhận được báo cáo từ cơ sở y tế tuyến dưới.

Điều tra ổ bệnh và xử lý ổ bệnh trong vòng 7 ngày: Quy định việc điều tra ổ bệnh sẽ được tiến hành càng sớm càng tốt để xác định có hay không có sự lan truyền bệnh tại chỗ, đây là yếu tố quan trọng để khẳng định ổ dịch được hình thành hay không. Cần tổ chức điều tra phát hiện bệnh toàn bộ số người trong 30 hộ gia đình ở chung quanh nhà có trường hợp bệnh, lưu ý rằng bất cứ một trường hợp bệnh nào dù là sốt rét nội địa hay sốt rét ngoại lai thì khu vực nơi có trường hợp bệnh phát hiện phải được điều tra đánh giá nguy cơ lan truyền bệnh tại chỗ. Đồng thời sau đó phải áp dụng các biện pháp xử trí can thiệp kịp thời tùy theo kết quả của cuộc điều tra nhằm giảm thiểu nguy cơ lan truyền bệnh tại chỗ trong thời hạn 7 ngày.

Vấn đề lưu ý khi triển khai giám sát, xử lý ổ bệnh

Nếu các địa phương được xem là không có sự lan truyền bệnh tại chỗ vì không có sự hiện diện của muỗi truyền bệnh, không phải là đỉnh cao mùa bệnh hoặc có loài muỗi thứ yếu không có khả năng truyền bệnh thì ổ bệnh được phân loại là “ổ bệnh bất hoạt”. Nếu trường hợp bệnh là sốt rét ngoại lai và bệnh nhân cư trú trong vùng không có sốt rét lưu hành thì ổ bệnh được gọi là “ổ bệnh giả”. Cả hai trường hợp ổ bệnh bất hoạt và ổ bệnh giả đều phải tiến hành điều tra tái phát hiện trường hợp bệnh chủ động ở những người có tiếp xúc sinh hoạt ăn ở với trường hợp bệnh gọi là quần thể nóng như các đồng nghiệp, người đi lao động hay đi du lịch đến cùng một khu vực...; đồng thời kết hợp với hoạt động phân phát tài liệu truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh. Khi xác định có sự hiện diện của loài muỗi truyền bệnh chủ yếu, ổ bệnh được gọi là “ổ bệnh hoạt động”; đối với ổ bệnh này cần triển khai biện pháp phòng chống muỗi như phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi ở trong nhà và tăng cường điều tra tái phát hiện trường hợp bệnh chủ động trong toàn bộ số người của 200 hộ gia đình ở chung quanh người mắc bệnh. Thực tế nên sử dụng kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán nhanh trong hoạt động tái phát hiện trường hợp bệnh chủ động để có kết quả nhanh chóng. Đồng thời có thể sử dụng giấy thấm để thu thập mẫu máu từ tất cả những người ở trong diện điều tra và sau đó đưa về phòng xét nghiệm tại tuyến tỉnh thực hiện kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử PCR (polymerase chain reaction) để phát hiện các trường hợp bệnh có mật độ ký sinh trùng sốt rét thấp mà kỹ thuật xét nghiệm chẩn đoán nhanh có thể không phát hiện thấy.

Như vậy việc giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét hiện nay khi triển khai lộ trình loại trừ bệnh sốt rét theo mô hình 1-3-7 sẽ nhằm đơn giản hóa các mục tiêu phòng chống sốt rét cơ bản là giảm mắc, giảm chết, giảm dịch; phát triển các yếu tố bền vững để tiến tới loại trừ bệnh ra khỏi cộng đồng thời gian tới theo kế hoạch. Vấn đề này cũng xác định tinh thần trách nhiệm, biện pháp hành động, thời hạn triển khai các hoạt động giám sát và xử lý ổ bệnh sốt rét một cách cụ thể để tất cả các địa phương tập trung thực hiện. Có thể nói loại trừ được bệnh sốt rét hay không trong thời gian đến sẽ phụ thuộc vào yêu cầu về thời gian, chất lượng giám sát và xử lý ổ bệnh theo quy định.


BS. NGUYỄN VÕ HINH
Ý kiến của bạn