Bên cạnh đó, bệnh do virút Zika và Chikungunya cũng đang có nguy cơ xâm nhập vào nội địa để phát triển thành dịch bệnh mới.
Cả 3 bệnh này đều do một loài muỗi Aedes truyền bệnh, vì vậy việc giám sát trọng điểm lồng ghép bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virút Zika và Chikungunya là một yêu cầu cấp thiết của ngành y tế với nội dung 3 trong 1 để phát hiện, khống chế bệnh.
Giám sát bệnh 3 trong 1 là yêu cầu cấp thiết
Bệnh sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virút Zika và Chikungunya là các bệnh truyền nhiễm cấp tính do Arbovirus gây ra, chúng có biểu hiện triệu chứng lâm sàng tương tự nhau và chủ yếu lây nhiễm qua muỗi Aedes đốt máu để truyền bệnh. Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường lưu hành ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt hầu hết các quốc gia ở khu vực châu Á đều có dịch bệnh xảy ra hàng năm; tại nước ta hiện nay bệnh sốt xuất huyết Dengue là 1 trong 10 bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc và tử vong cao nhất trong 10 năm trở lại đây với khoảng 70 triệu người ở trong vùng có dịch bệnh lưu hành và có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh do virút Zika đã lưu hành ở 148 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ báo báo ghi nhận các trường hợp trẻ mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến virút Zika; tại nước ta trong 16 tháng của năm 2016, 2017 đã phát hiện 246 trường hợp dương tính với virút Zika tại 15 tỉnh và thành phố, trong đó có 1 trường hợp trẻ 4 tháng tuổi mắc chứng đầu nhỏ nghi có liên quan đến nhiễm virút Zika tại tỉnh Đắk Lắk. Bệnh Chikungunya do virút gây ra phổ biến rộng rãi ở châu Phi cận Sahara, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á và đây là nguyên nhân gây nên một số vụ dịch tại châu Phi; những nghiên cứu ghi nhận các mẫu huyết thanh dương tính với Chigunkunya hoặc Dengue gửi đến phòng thí nghiệm với kết quả xét nghiệm phát hiện sự đồng nhiễm với cả 2 loại virút Chigunkunya và Dengue, theo đó các nhà khoa học cho rằng sự đồng nhiễm này khá phổ biến, đây là hai bệnh có biểu hiện triệu chứng lâm sàng tương tự cần kiểm tra để sàng lọc và thực hiện công tác giám sát phát hiện tốt hơn; riêng tại nước ta một số nghiên cứu gần đây cũng xác định trường hợp bệnh nhân bị nhiễm virút Chikungunya.
Để đánh giá sự lưu hành của virút Dengue, Zika và Chikungunya cũng như xác định tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ tử vong của 3 bệnh do 3 loại virút của cùng 1 loài muỗi Aedes truyền bệnh gây ra; việc giám sát lồng ghép 3 tác nhân gây bệnh sẽ làm tăng khả năng phát hiện, kiểm soát và xử trí can thiệp sớm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng người dân, tạo điều kiện thuận lợi và hiệu quả cho việc tổ chức thực hiện, tiết kiệm được nguồn lực và thống nhất quy trình triển khai trong cả nước.
Mục tiêu thực hiện và nội dung giám sát
Mục tiêu chung là lồng ghép giám sát, thu thập thông tin về dịch tễ và virút của sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virút Zika và Chikungunya ở các khu vực trọng điểm làm cơ sở cho việc đánh giá nguy cơ và qua đó để lập kế hoạch giám sát, phòng chống một cách có hiệu quả đối với các loại dịch bệnh này. Mục tiêu cụ thể là thu thập, phân tích dữ liệu dịch tễ học của sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virút Zika và Chikungunya tại một số bệnh viện trọng điểm; xác định sự lưu hành của virút Dengue, Zika và Chikungunya ở người tại các điểm giám sát; xác định sự phân bố của virút Dengue, Zika, Chikungunya trên quần thể muỗi Ades truyền bệnh tại các điểm giám sát. Nội dung giám sát phải được thực hiện đồng thời trên bệnh nhân và trên trung gian truyền bệnh.
Giám sát bệnh nhân:
Các chỉ số giám sát: việc giám sát được thực hiện trên bệnh nhân để thu thập và phân tích các chỉ số có liên quan như: tỉ lệ, phân bố số trường hợp mắc và tử vong do sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virút Zika và Chikungunya theo thời gian, địa điểm, con người; tỉ lệ dương tính từng loại virút Dengue, Zika và Chikungunya trên tổng số mẫu huyết thanh thu thập; tỉ lệ % của các type Dengue lưu hành trong tổng số những mẫu được xét nghiệm theo thời gian, địa điểm; xác định chủng virút Zika tại các điểm giám sát theo thời gian, địa điểm.
Lựa chọn điểm giám sát ở các tỉnh, thành phố: điểm giám sát được lựa chọn khi ở đó có ít nhất một trong các yếu tố như: có tỉ lệ mắc sốt xuất huyết Dengue trên 100.000 dân cao trong khu vực, có trường hợp bệnh nhân nhiễm virút Zika hoặc trẻ mắc chứng đầu nhỏ nghi liên quan đến virút Zika hay có kết quả xét nghiệm muỗi dương tính với virút Zika; có chỉ số trung gian truyền bệnh cao, ở khu vực miền Bắc có chỉ số bọ gậy muỗi BI trên 20 và chỉ số mật độ muỗi truyền bệnh DI trên 0,5 con/nhà, ở các khu vực khác có chỉ số bọ gậy muỗi BI trên 30 và chỉ số mật độ muỗi truyền bệnh DI trên 0,5 con/nhà, đồng thời có nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết Dengue hoặc bệnh do virút Zika hay Chikungunya. Đối với bệnh viện, việc lựa chọn để thực hiện việc giám sát phải có ít nhất một trong các yếu tố như: bệnh viện đa khoa tuyến trung ương, tỉnh, thành phố, thị xã, quận, huyện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được chọn theo quy định ở trên có đủ điều kiện, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ đủ khả năng thực hiện các hoạt động chuyên môn giám sát, lấy mẫu; bệnh viện đã và đang thực hiện việc giám sát trọng điểm sốt xuất huyết Dengue; bệnh viện có phối hợp chặt chẽ và cam kết duy trì hoạt động giám sát lâu dài. Số lượng các điểm giám sát dựa trên khả năng và nguồn lực sẵn có, dự kiến cả nước có tối thiểu 10 điểm giám sát gồm: khu vực miền Bắc tối thiểu 3 điểm, khu vực miền Trung tối thiểu 2 điểm, khu vực miền Nam tối thiểu 4 điểm và khu vực Tây Nguyên tối thiểu 1 điểm.
Lựa chọn đối tượng giám sát: phải thực hiện lồng ghép việc điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm các bệnh nhân nghi ngờ mắc sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virút Zika và Chikungunya đến khám bệnh ngoại trú theo tiêu chuẩn lựa chọn người bệnh là các trường hợp bệnh nhân trên 5 tuổi có những triệu chứng khởi phát trong vòng 5 ngày và thỏa mãn 1 trong 2 định nghĩa trường hợp bệnh: bệnh nhân bị phát ban và kèm theo ít nhất 2 trong số các triệu chứng như sốt thường dưới 380C; đau cơ; đau khớp, phù quanh khớp; viêm kết mạc mắt sung huyết, không mủ. Bệnh nhân có sốt cao đột ngột và có ít nhất 2 trong số các dấu hiệu như có biểu hiện xuất huyết; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Chọn mẫu giám sát phải thỏa mãn tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân, nên chọn ít nhất 2 bệnh nhân trong mỗi ngày tại điểm giám sát; việc lựa chọn bệnh nhân cần được tiến hành 5 ngày mỗi tuần từ thứ hai đến thứ sáu, nếu trong ngày không có đủ số lượng bệnh nhân thỏa mãn tiêu chuẩn để lấy mẫu thì có thể lấy bù trong các ngày tiếp theo cho đến ngày thứ sáu của tuần đó, nếu đến ngày thứ sáu không đủ số bệnh nhân thì dừng lại, không lấy bù vào thứ bảy, chủ nhật và các tuần sau.
Điều tra dịch tễ, ghi phiếu điều tra trường hợp bệnh: sau khi lựa chọn bệnh nhân, cán bộ giám sát thu thập thông tin về trường hợp bệnh theo mẫu quy định. Mỗi bệnh nhân có một mã số riêng để quản lý thông tin dịch tễ và kết quả xét nghiệm. Mã số của bệnh nhân là mã số duy nhất, không trùng lặp. Mỗi bệnh nhân sẽ được cấp một mã số riêng để quản lý thông tin dịch tễ và kết quả xét nghiệm. Cấu trúc của mỗi mã số bệnh nhân bao gồm các thành phần: mã điểm giám sát là mã vùng điện thoại chữ viết tắt tên điểm giám sát/ hai số cuối của năm/ số thứ tự trường hợp bệnh với 4 chữ số; ví dụ mã số 0296PTn/17/0001 là mã số bệnh nhân trường hợp bệnh thứ nhất của năm 2017 tại bệnh viện đa khoa huyện Phú Tân, tỉnh An Giang... Lưu ý mã số bệnh nhân phải được ghi trên phiếu giám sát trường hợp bệnh, ghi trên ống đựng bệnh phẩm và trên danh sách bệnh nhân đối với các bệnh nhân được chọn lấy mẫu xét nghiệm. Thông tin trong phiếu điều tra trường hợp bệnh thu thập qua phỏng vấn người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân, người chăm sóc bệnh nhân phải được ghi đầy đủ, chính xác; cán bộ điều phối tại bệnh viện cần kiểm tra phiếu trước khi gửi về các viện khu vực có liên quan. Một số vấn đền cần lưu ý khi kiểm tra là tất cả các câu hỏi đều phải được trả lời, tính hợp lý của số liệu như ngày khởi phát bệnh, ngày vào bệnh viện, nghề nghiệp có tương ứng với tuổi không...
Lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm của bệnh nhân: tại điểm giám sát ở bệnh viện, mẫu máu sau khi lấy vào ống đựng mẫu cần phải ly tâm tách huyết thanh trước khi chuyển đến phòng xét nghiệm của viện có liên quan để tránh tan máu hay tán huyết; các mẫu huyết thanh được thu thập trong tuần gửi đến viện có liên quan trước 16 giờ ngày thứ hai của tuần kế tiếp. Việc lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm được thực hiện theo đúng hướng dẫn lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển bệnh phẩm quy định. Sau khi lấy mẫu bệnh phẩm, cán bộ phụ trách ghi thông tin các trường hợp được lấy mẫu vào danh sách gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm virút Dengue, Zika và Chikungunya để lưu tại khoa.
Trẻ mắc bệnh zika
Xét nghiệm bệnh phẩm và phản hồi, báo cáo kết quả: trường hợp bệnh nhân thỏa mãn tiêu chuẩn sàng lọc sẽ được lấy mẫu huyết thanh để chuyển về viện khu vực có liên quan làm xét nghiệm phát hiện cùng một lúc 3 tác nhân gây bệnh trên cùng một mẫu bệnh phẩm. Khi bệnh phẩm, phiếu điều tra trường hợp bệnh và phiếu yêu cầu xét nghiệm được chuyển đến phòng xét nghiệm của viện khu vực có liên quan thì bên giao và bên nhận phải ký xác nhận vào sổ giao nhận bệnh phẩm và phiếu điều tra trường hợp bệnh. Sau khi nhận được bệnh phẩm từ các điểm giám sát được phân công phụ trách, phòng xét nghiệm tại các viện khu vực có liên quan sẽ tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm trước thứ tư hàng tuần để bảo đảm kết quả xét nghiệm được gửi đến các đơn vị liên quan đúng thời gian quy định. Sau khi hoàn thành xét nghiệm, phòng xét nghiệm của viện khu vực có liên quan sẽ ghi kết quả vào phiếu trả lời kết quả xét nghiệm và gửi đến các điểm giám sát trước 16 giờ thứ tư hàng tuần; trong trường hợp cần xác định lại kết quả thì phòng xét nghiệm của viện khu vực có liên quan sẽ thông báo cho đơn vị nhận kết quả xét nghiệm về các mẫu cần xác định lại, đồng thời kết quả được gửi đến các đơn vị này trước 16 giờ thứ hai của tuần kế tiếp. Các viện khu vực có liên quan tổng hợp kết quả xét nghiệm vào bảng tổng hợp kết quả xét nghiệm và gửi về Viện Vệ sinh dịch tế trung ương, Cục Y tế dự phòng.
Giám sát trung gian truyền bệnh:
Trong nhiệm vụ giám sát trung gian truyền bệnh, cần thu thập và phân tích các chỉ số gồm: tỉ lệ dương tính với virút Dengue, Zika và Chigunkunya trên tổng số mẫu muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus theo thời gian và địa điểm. Các chỉ số của trung gian truyền bệnh tại ổ dịch như chỉ số bọ gậy Breteau (BI), mật độ muỗi (DI), nhà có muỗi (HI), chỉ số vật chứa có lăng quăng (CI), chỉ số nhà có lăng quăng (HI). Lựa chọn điểm giám sát muỗi, lăng quăng tại nơi xảy ra ổ dịch sốt xuất huyết Dengue, bệnh do vrrút Zika và Chikungunya theo các quy định hiện hành. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã triển khai bắt muỗi tại ổ dịch sốt xuất huyết Dengue, bệnh do virút Zika và Chikungunya ngay sau khi nhận được kết quả xét nghiệm trường hợp bệnh dương tính trên mẫu bệnh phẩm của viện khu vực có liên quan và trước thời gian phun hóa chất diệt muỗi. Phải bắt toàn bộ muỗi Aedes trong các hộ gia đình, cơ quan, trường học, công trình công cộng, công trường xây dựng... trong bán kính 200m theo chiều ngang và theo chiều cao trong trường hợp nhà cao tầng của ổ dịch bằng máy hút muỗi cầm tay hoặc máy hút muỗi đeo vai, vợt muỗi; việc bảo quản, vận chuyển mẫu muỗi được thực hiện theo đúng hướng dẫn quy định; thời gian gửi mẫu được thực hiện với các mẫu muỗi bảo quản bằng bao hoặc gói riêng thu thập trong tuần gửi đến viện khu vực có liên quan trước 16 giờ ngày thứ hai của tuần kế tiếp. Số muỗi bắt được trong giám sát ổ dịch được chia làm nhiều mẫu gộp riêng biệt theo loài muỗi, giống muỗi, địa điểm, ngày điều tra...; các mẫu gộp xét nghiệm không để quá 20 con muỗi cho mỗi mẫu gộp; khi phát hiện mẫu gộp dương tính, phải tiến hành xét nghiệm tiếp từng cá thể muỗi trong mẫu gộp để xác định số cá thể muỗi dương tính; các viện khu vực có liên quan sẽ xét nghiệm mẫu muỗi để xác định từng tác nhân gây bệnh bằng phương pháp kỹ thuật yêu cầu.