Trước diễn biến rất nóng của dịch Zika tại Singapore cuối tháng 8 vừa qua và tình hình sốt xuất huyết đang tiếp tục diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ La-tinh... Bộ Y tế đã chủ động tăng cường kiểm soát, giám sát và phòng chống các dịch bệnh này, nhất là khi mùa mưa đã đến...
Việt Nam có thể ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh do virut Zika
Ngày 6/9, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt là tại Singapore, Bộ Y tế đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới và Trung tâm Kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nguy cơ và nhận định trong thời gian tới nước ta có thể tiếp tục ghi nhận thêm trường hợp mắc mới bệnh do virut Zika do nước ta đã lưu hành virut Zika trong cộng đồng; trong khi đó muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết cũng là muỗi truyền bệnh do virut Zika đang có xu hướng gia tăng trong mùa mưa nên thuận lợi cho việc truyền virut Zika từ muỗi sang người chưa có miễn dịch. Thêm vào đó, do sự giao lưu đi lại thuận lợi giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á nên có nguy cơ rất lớn các trường hợp bị nhiễm virut Zika sau khi từ các nước trong khu vực trở về, đặc biệt là tại Singapore, đây cũng là nguồn truyền bệnh cho gia đình và cộng đồng nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh phù hợp.
Bộ Y tế đề nghị ngành y tế các địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Ảnh: TM
Công tác giám sát cũng được tăng cường tại các cơ sở y tế, Bộ Y tế cũng phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur cập nhật hướng dẫn giám sát nhằm tăng khả năng phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ nhiễm virut Zika tại cộng đồng; đồng thời triển khai sử dụng test chẩn đoán Trioplex do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ hỗ trợ để giám sát sàng lọc đồng thời 3 bệnh Zika, sốt xuất huyết, Chikungunia để phát hiện nhanh các trường hợp mắc bệnh nghi ngờ do virut Zika. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, đến nay trên phạm vi toàn quốc đã xét nghiệm 2.554 mẫu bệnh phẩm và đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với virut Zika tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Phú Yên. Đây là 3 trường hợp nhiễm virut Zika đơn lẻ trong cộng đồng.
Xử phạt hành chính việc cố tình không thực hiện các biện pháp phòng dịch
Để chủ động phòng chống không để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, ổn định an sinh xã hội, ngày 5/9, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa phương, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tham gia công tác phòng chống dịch; đồng thời cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt là các hành khách về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh Zika để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, tổ chức cách ly, hướng dẫn các biện pháp phòng muỗi đốt và tự theo dõi sức khỏe để chủ động đến các cơ sở y tế khi có biểu hiện bệnh.
Để đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong các tòa nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế, Bộ Y tế đề nghị các địa phương xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân nếu không hợp tác phòng chống Zika và sốt xuất huyết. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để có hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy. Đặc biệt, sẽ xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng dịch của địa phương.
Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế các địa phương cần giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh để tiến hành xử lý ổ dịch kịp thời. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virut Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virut Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Cùng đó, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong...