Hà Nội

Giám sát chỉ số bọ gậy, mật độ muỗi, kịp thời xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết

12-08-2019 10:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong tuần vừa qua số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội giảm 2 trường hợp so với tuần trước, tuy nhiên số ca mắc vẫn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát vì thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển (nắng nóng và thường xuyên có mưa).

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh tuần từ ngày 05/8/2019 đến 11/8/2019, trong tuần ghi nhận 246 trường hợp mắc sốt xuất huyết, các ca mắc rải rác tại 122 xã, phường, thị trấn của 28 quận, huyện, thị xã.

Một số đơn vị có số ca ghi nhận cao trong tuần như Thanh Oai (29), Đống Đa (23), Hà Đông (22), Cầu Giấy (21), Nam Từ Liêm (20), Thường Tín (18). Lũy tích năm 2019 ghi nhận 2.098 trường hợp, hiện trên 90% ca bệnh đã khỏi (1.891 trường hợp), còn 207 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, trong tuần vừa qua số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội giảm 02 trường hợp so với tuần từ ngày 29/7 đến 04/8/2019, tuy nhiên số ca mắc vẫn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát vì thời tiết hiện nay vẫn là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển (nắng nóng và thường xuyên có mưa).

Để chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, các quận, huyện, thị xã cần chủ động, tích cực tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc vệ sinh môi trường và thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt...

Về các biện pháp phòng chống dịch: Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và sởi theo chỉ đạo của  Bộ Y tế và UBND Thành phố. Lãnh đạo UBND Thành phố tổ chức giao ban công tác văn xã, quán triệt các đơn vị phải tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng thời UBND Thành phố ban hành công văn chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Kiểm tra dụng cụ chứa nước của một hộ gia đình tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín.

Sở Y tế ban hành công văn gửi Sở Giáo dục và đào tạo và công văn gửi Đảng ủy Khối các trường đại học đề nghị phối hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại các trường học. Lãnh đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thường Tín.

Tiếp tục giám sát các yếu tố nguy cơ về bệnh sốt xuất huyết như chỉ số bọ gậy, mật độ muỗi và chủ động giám sát bệnh nhân để kịp thời điều tra xử lý dịch bệnh. Hàng tuần Sở Y tế có văn bản gửi các quận, huyện có nguy cơ về dịch bệnh sốt xuất huyết để cảnh báo và khuyến nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Các đơn vị tổ chức tốt các buổi tiêm chủng thường xuyên trong tuần nhằm chủ động phòng chống các bệnh có vắc xin dự phòng như sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản. Tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh ghi nhận trong tuần như sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng và ho gà.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc đo thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài để chủ động kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập.

Các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền GDSK cho cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là tuyên truyền để người dân tích cực chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Mọi biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cần dựa vào cộng đồng

Nhấn mạnh mọi biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cần dựa vào cộng đồng, trong thời gian này, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị cần tập trung tuyên truyền, vận động các gia đình tự giác loại bỏ phế liệu, phế thải còn đọng nước. Công tác giám sát, xử lý dịch cần xác định rõ tại mỗi xã, thị trấn có những dụng cụ nào chứa nhiều bọ gậy nhất, thống kê cụ thể từng loại bể nước, sau đó hướng dẫn người dân các biện pháp thau rửa, thả cá, che màn cho các bể chứa nước, tránh tình trạng làm đại trà, chung chung mà cần làm đến đâu triệt để đến đó.

Đối với công tác phun hóa chất diệt muỗi cần khoanh vùng số hộ gia đình, các bãi đất trống, nghĩa trang, công trường xây dựng, đình chùa, chợ, để sử dụng các biện pháp phun hợp lý. Đặc biệt, tất cả các trường học trên địa bàn huyện cần được vệ sinh môi trường, loại bỏ dụng cụ chứa nước không cần thiết và phun hóa chất diệt muỗi trước khi bước vào năm học mới.

Việc phát hiện ca bệnh cần được tiến hành ngay từ trường hợp đầu tiên để xử lý dứt điểm. Các trạm y tế xã, thị trấn cần có hướng dẫn người dân nhận biết các dấu hiệu, cảnh báo khi mắc sốt xuất huyết, tránh để tình trạng người dân tự ý truyền dịch điều trị...

Một số dịch bệnh khác như sởi ghi nhận 23 trường hợp, các ca mắc rải rác tại 22 xã, phường, thị trấn của 13 quận, huyện, thị xã. Lũy tích năm 2019 ghi nhận 1.665 trường hợp, hiện 99,5 % ca bệnh đã khỏi (1.656 trường hợp), chỉ còn 09 trường hợp đang điều trị và chưa có trường hợp tử vong.

Tay chân miệng, trong tuần ghi nhận 21 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi 407 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong.

Ho gà, trong tuần ghi nhận 01 trường hợp. Lũy tích năm 2019 ghi 96 trường hợp, chưa có trường hợp tử vong.

Trong tuần không ghi nhận các dịch bệnh như não mô cầu, viêm não Nhật Bản, liên cầu lợn... và các dịch bệnh xâm nhập nguy hiểm.

D.Hải
Ý kiến của bạn