Vì mục tiêu ATTP của người tiêu dùng
Thông tin tại hội nghị cho biết, năm 2018, Ủy ban Codex Việt Nam đã tiếp tục hoạt động tham gia tư vấn cung cấp thông tin, đóng góp ý kiến cho các cơ quan quản lý Nhà nước của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương trong các lĩnh vực ATTP như: ghi nhãn thực phẩm, quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân tích vi sinh vật trong thực phẩm, dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm, sản phẩm thức ăn công thức dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa và sản phẩm sữa với mục đích điều trị đặc biệt; tiêu chuẩn Codex với sản phẩm dinh dưỡng sử dụng trong các chế độ ăn giảm cân...
Ủy ban Codex Việt Nam đã điều phối các cơ quan, bộ ngành và doanh nghiệp liên quan, tổ chức các cuộc họp Ban Kỹ thuật của Ủy ban Codex Việt Nam, gửi các dự thảo tài liệu của Ủy ban Codex quốc tế có liên quan đến sản xuất kinh doanh thực phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban Codex Việt Nam cũng đề xuất các Bộ, ngành và doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia các nhóm công tác điện tử (EWG) của các Ban Kỹ thuật Codex quốc tế.
Trong công tác thông tin dữ liệu, Ủy ban đã chuyển dịch các tài liệu, văn bản tiêu chuẩn Codex và phát hành ấn phẩm phục vụ cho các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về thực phẩm. Ủy ban đã phát hành nhiều ấn phẩm trong năm 2018: Tiêu chuẩn Codex về phụ gia thực phẩm - tập 1; Tiêu chuẩn Codex về dinh dưỡng và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt - tập 1; Tiêu chuẩn Codex về sữa và sản phẩm sữa (Tập 1- Soát xét lần 1); Sổ tay Ủy ban Codex quốc tế; Cuốn sách về Thương mại và các tiêu chuẩn ATTP.
Thực phẩm cung cấp cho các hệ thống kinh doanh bán lẻ, siêu thị hiện đại phải đạt tiêu chuẩn Codex. Ảnh: TM
Ủy ban Codex Việt Nam đã tham gia đóng góp ý kiến cho các Dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế cụ thể như: sản phẩm dinh dưỡng công thức dành cho trẻ nhỏ, sử dụng phụ gia thực phẩm nitrat và nitrit, các hoạt chất thuốc Bảo vệ thực vật năm 2019...
Nhu cầu sử dụng sản phẩm giảm cân đang gia tăng
Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP lưu ý, nhu cầu sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt, trong đó có sản phẩm giảm cân đang gia tăng. Theo tiêu chuẩn, sản phẩm này không được có vi sinh vật gây bệnh; không được chứa các chất có độc tố với lượng có thể gây nguy hại; đặc biệt sản phẩm giảm cân không được phép có dư lượng hormon và chất kháng sinh; các chất nhiễm bẩn đặc biệt là các chất có hoạt tính dược.
Tuy nhiên, thực tế giám sát trong năm 2018 cơ quan chức năng đã phát hiện sản phẩm giảm cân chứa chất cấm sibutramine. Đây là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược Bộ Y tế cấm sử dụng từ năm 2011 do có tác dụng không mong muốn gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, thông qua chương trình giám sát chủ động, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số sản phẩm giảm cân có chứa sibutramine, các sản phẩm này đã bị thu hồi và xử lý theo quy định.
Đáng lưu ý, trong năm qua, Cục ATTP cũng đã nhận được thông báo của Cơ quan Khoa học y tế Singapore về việc thu giữ một số sản phẩm giảm cân có chứa chất cấm sibutramine được bán trực tuyến tại Singapore. Theo thông báo này, trong các sản phẩm bị tịch thu có sản phẩm giảm cân chứa chất cấm có ghi sản xuất tại Việt Nam.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Công Thương cho biết, để đảm ATTP đặc biệt trong dịp Tết, các vụ chức năng của Bộ này đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia xét nghiệm các sản phẩm thực phẩm cung cấp cho các hệ thống kinh doanh thực phẩm bán lẻ, siêu thị hiện đại. Hình thức kiểm soát này được duy trì để đảm bảo thực phẩm cung ứng và phân phối đến người tiêu dùng được đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.