Sau khi phát hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn gia cầm tại xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu Sở Y tế tỉnh Lai Châu cường công tác phòng, chống cúm A/H5N6 lây sang người.
Theo đó, để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Lai Châu tăng cường biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly theo dõi sức khỏe của các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh, điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho trung tâm y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch.
Theo Tổ chức Thú y thế giới, virus cúm A/H5N6 là chủng vi rút có độc lực cao và chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người, nhưng việc theo dõi, giám sát diễn biến của chủng vi rút mới cần được thực hiện chặt chẽ để có ứng phó kịp thời khi dịch bùng phát trên gia cầm.
Theo các chuyên gia dịch tễ, vấn đề quan trọng nhất để ngăn ngừa cúm A/H5N6 cũng như các chủng virus cúm khác trong thời điểm này là phải kiểm soát thật tốt tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu.
Trước đó, Bộ Y tế đã khuyến cáo về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm là không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng gia cầm chưa được kiểm dịch; che miệng, mũi khi ho, hắt xì hơi; sử dụng đồ phòng hộ, rửa tay bằng xà phòng khi tiếp xúc gia cầm; tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh hô hấp cấp...
Được biết chủng cúm gia cầm H5N6 được phát hiện lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 8-2014.
Thái Bình