“Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kể cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới”- đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 427/QĐ-TTg về việc tập trung phòng chống virut cúm A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm có khả năng lây sang người xâm nhiễm vào Việt Nam.
Đóng cửa chợ gia cầm khi phát hiện có virut cúm A/H7N9
Theo công điện của Thủ tướng, nguy cơ virut cúm A/H7N9 và các chủng virut khác (A/H5N2, A/H5N8) từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta qua biên giới thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ loại gia cầm, sản phẩm gia cầm trên là rất cao. Do đó, để chủ động ngăn chặn virut cúm A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào nước ta, hạn chế thấp nhất virut cúm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 18/TTg-KGVX ngày 27/2/2017, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người từ vùng có dịch cúm A/H7N9 nhập cảnh vào Việt Nam và xây dựng phương án xử lý triệt để ca bệnh khi phát hiện có bệnh nhân nhiễm virut cúm A/H7N9.
Bên cạnh đó, cần tổ chức lấy mẫu giám sát chủ động đối với gia cầm và môi trường nhằm phát hiện virut cúm A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam xâm nhiễm vào nước ta; Quy định cụ thể, giám sát chặt chẽ khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các chợ có bán gia cầm sống và tổ chức thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ; Xây dựng phương án đóng cửa chợ gia cầm và có các biện pháp xử lý khi phát hiện có virut cúm A/H7N9 tại chợ; Tổ chức diễn tập để chủ động triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch khi phát hiện virut cúm A/H7N9 xâm nhiễm vào trong nước.
Đồng thời, các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt góp phần ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virut cúm A/H7N9 và các chủng virut cúm gia cầm khác xâm nhiễm vào Việt Nam.
Người dân cần nâng cao cảnh giác với dịch bệnh
Về phía Bộ Y tế, trong bối cảnh cúm gia cầm A/H5N1 đang ghi nhận các ổ dịch rải rác và cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác với dịch bệnh. PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh do cúm A/H5N1 và A/H7N9 ở người thường có triệu chứng nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 50%. Diễn biến trên bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 tương tự bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 với các tổn thương phổi. Viêm phổi diễn tiến nhanh và dễ tử vong với tỷ lệ cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hầu hết bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H7N9 đều bị viêm phổi nặng. “Tỷ lệ tử vong cao ở ca bệnh nhiễm cúm gia cầm đang là mối lo ngại lớn đối với cộng đồng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn dịch cúm lây lan. Không có dịch cúm trên gia cầm sẽ không có các dịch bệnh này trên người”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn sự xâm nhập của cúm A/H7N9 như củng cố hệ thống phòng xét nghiệm trên toàn quốc, đặc biệt là tại các Trung tâm cúm quốc gia. Đồng thời, Việt Nam đã chủ động được việc xét nghiệm chẩn đoán xác định các chủng virut cúm gia cầm bao gồm cả cúm A/H7N9, A/H5N1, A/H5N6 và có thể giải trình tự gene để phát hiện sự biến chủng của virut. Thực hiện việc giám sát hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu nhằm phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc cúm gia cầm. Ngành y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị, máy thở và thuốc kháng virut. Bộ đã yêu cầu các cơ sở y tế tiến hành rà soát, chuẩn bị về thuốc men, cơ sở vật chất, đặc biệt là khu vực cách ly khi có ca bệnh nghi ngờ.
Không ăn tiết canh, gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc.
Đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ, sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Nếu có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.