Giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ
Là địa bàn có cảng biển nên ngoài việc yêu cầu các địa phương trong tỉnh quyết liệt phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ thì tỉnh Bình Định còn chỉ đạo các đơn vị ở tỉnh này như: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng thực hiện giám sát chặt chẽ dịch khi tàu thuyền nước ngoài vào Cảng Quy Nhơn, trong cộng đồng. Việc giám sát nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Theo ghi nhận tại một số huyện của Bình Định, cùng với phòng, chống sốt xuất huyết thì hầu hết người dân đã nắm được các triệu chứng và biểu hiện của bệnh đậu mùa khỉ. Lãnh đạo địa phương cũng khuyến cáo người dân cần chủ động khai báo ngay với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh đậu mùa khỉ để có phương án chăm sóc, điều trị tốt nhất.
Tại Khánh Hòa, BS Tôn Thất Toàn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cũng thông tin, đến thời điểm này chưa phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ nào ở Khánh Hòa. Tuy nhiên việc tuyên truyền, trang bị kiến thức phòng dịch cho người dân vẫn được làm thường xuyên. Các nhân viên y tế dự phòng vẫn phối hợp chặt chẽ với các địa bàn để giúp người dân nắm bắt các thông tin về dịch bệnh.
Ngành y tế nhiều địa phương như Khánh Hòa; Bình Định cũng đã được giao phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xử lý triệt để ổ dịch (nếu xuất hiện); sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh. Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. Thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.
Không bị động trước bệnh đậu mùa khỉ
Nằm ở địa bàn Tây Nguyên, có cửa khẩu quốc tế Bờ Y, ngành y tế Kon Tum cũng đã và đang triển khai mạnh các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ. Kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu. Cùng với đó tuyên truyền một cách dễ hiểu, dễ nhớ về các triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh đậu mùa khỉ đến từng khu dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu.
Việc phối hợp chặt chẽ trong giám sát, phòng, chống dịch bệnh từ động vật hoang dã, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh đậu mùa khỉ; kịp thời chia sẻ thông tin và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cũng được Kon Tum và nhiều địa phương chủ động thực hiện.
Các bệnh viện sẵn sàng tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh. Đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đảm bảo phòng, chống lây nhiễm tại cơ sở y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
Trung tâm Y tế các huyện/thành phố ở các địa phương cũng đã sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm nhất. Việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho các cán bộ tham gia điều trị và phòng, chống dịch bệnh cũng đã được tiến hành để đáp ứng tốt khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.