Nhằm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp mùa lễ hội truyền thống Xuân 2017, đồng thời ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển và cạnh tranh lành mạnh của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn Thủ đô, Ban Chỉ đạo ATTP thành phố đã chỉ đạo các quận huyện tăng cường thanh, kiểm tra toàn diện và trực tiếp lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đã về cơ sở bám sát địa bàn, giám sát ATVSTP ngay tại địa phương. PV báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Nguyễn Khắc Hiền, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về vấn đề ATVSTP sau Tết và mùa lễ hội.
PV: Thưa ông, dịp Tết Đinh Dậu vừa qua tại Hà Nội không ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND thành phố và cả hệ thống chính trị đã đồng lòng cùng với ngành y tế giám sát chặt chẽ vấn đề ATTP. Nhìn lại dịp Tết và mùa lễ hội 2017 đã đến, ngành y tế Hà Nội đã và đang tập trung vào vấn đề gì?
TS. Nguyễn Khắc Hiền: Thủ đô vừa qua Tết Đinh Dậu an toàn, tiết kiệm và lành mạnh, có được thành quả đó không tách rời sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy và UBND thành phố. Ngành y tế Thủ đô đã vào cuộc khẩn trương và nghiêm túc từ thành phố cho đến các xã, phường, thị trấn vừa đảm bảo công tác khám, chữa bệnh trên toàn địa bàn đồng thời đảm bảo không để dịch xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán và cương quyết không xảy ra các vụ ngộ độc lớn. Bên cạnh đó không thể nhắc đến sự đồng tâm, hiệp lực của gần 3.000 cán bộ công chức, viên chức y tế Thủ đô trực tiếp tham gia phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Dịp lễ hội tới đây, ngành y tế Hà Nội ngay từ những giờ đầu, ngày đầu của năm mới đã tỏa xuống địa bàn thực thi nhiệm vụ của mình. Bám sát địa bàn, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh thực phẩm, ăn uống từ hè phố đến nhà hàng để người dân yên tâm vui tươi trong mùa lễ hội. Ngoài sự chỉ đạo tập trung thống nhất từ thành phố, chúng tôi phối hợp cùng quận, huyện thành lập các đoàn kiểm tra tại các phường, tập trung kiểm tra vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều có yếu tố nguy cơ cao như thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát... Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người nội trợ trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình; người tiêu dùng thực phẩm; người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, nhà quản lý về cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; qua đó nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt quy định về vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
TS. Nguyễn Khắc Hiền (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
PV: Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội, trong đó lễ hội chùa Hương kéo dài trong 3 tháng, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các điểm lễ hội như thế nào?
TS. Nguyễn Khắc Hiền: Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP đã tổ chức đoàn kiểm tra trước khi khai hội chùa Hương, có đưa xe xét nghiệm chuyên dụng về ATTP để xét nghiệm tại chỗ, kịp thời nhắc nhở những điểm cần khắc phục và kiên quyết yêu cầu đóng cửa các cơ cơ sở không đảm bảo ATTP. Chúng tôi đã giao cho Phòng y tế, Trung tâm y tế huyện Mỹ Đức lập tổ công tác ứng trực tại điểm chùa để kịp thời xử lý các vấn đề y tế nếu có. Tại các điểm lễ hội ở các quận, huyện khác đều tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP, hạn chế số vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, cũng như đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm trước người tiêu dùng, xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP, nhất là thường xuyên kiểm tra, giám sát quy trình chế biến, vận chuyển, bảo quản thực phẩm; nâng cao kiến thức cho người lao động trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn...
Các cơ quan chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách chọn, mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Đồng thời, thông báo kịp thời cho người dân các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng, để người dân tẩy chay và không mua phải những thực phẩm kém chất lượng.
Với sự vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ của các bộ, ngành, UBND các cấp; các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người tiêu dùng, cũng như sự tham gia tích cực của người dân trong đấu tranh, phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP, tin rằng mùa lễ hội Xuân 2017 diễn ra an toàn mà không còn nỗi lo về thực phẩm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!