Giảm nỗi đau bệnh tật

22-11-2011 1:10 PM | Tin nóng y tế

Người lao động ốm đau, bệnh tật cũng tác động đến thu nhập của cuộc sống cả gia đình và người cao tuổi mắc bệnh kinh niên, mạn tính cũng tác động đến sức khỏe,

Theo nghĩa rộng, đối tượng của lĩnh vực y tế-chăm sóc sức khỏe là tất cả mọi người dân trong xã hội, từ bà mẹ mang thai, trẻ em đến thanh thiếu niên, người lớn và người cao tuổi… nhưng ở nghĩa hẹp của nó, đối tượng của y tế vẫn là những người có vấn đề về sức khỏe. Công tác y tế dự phòng cũng như các hoạt động khác của ngành y tế tập trung vào tuyên truyền, can thiệp để phòng ngừa bệnh tật, giúp mọi người dân giữ gìn sức khỏe, phòng tránh tai nạn thương tích, bệnh tật, phòng ngừa các dịch bệnh xã hội và giúp người dân nâng cao thể trạng, tầm vóc, duy trì sức khỏe.

Là quốc gia đang phát triển và điều kiện khí hậu, tự nhiên của một nước nhiệt đới, người dân Việt Nam dễ mắc bệnh, tai nạn thương tích và vì vậy các vấn đề của bệnh nhân thường rất đa dạng. Trẻ em bị ốm đau, bệnh tật, bị tai nạn thương tích dẫn tới sự lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống của cả gia đình.
 
Người lao động ốm đau, bệnh tật cũng tác động đến thu nhập của cuộc sống cả gia đình và người cao tuổi mắc bệnh kinh niên, mạn tính cũng tác động đến sức khỏe, công việc của các thành viên trong gia đình mở rộng. Những vấn đề khi gia đình có người ốm đau, bệnh tật và tác động đến đời sống kinh tế, đến thời gian, thu nhập, đến sức khỏe và tâm lý của các thành viên liên quan cần được nghiên cứu một cách thực tế, để có cơ sở đưa ra những vấn đề cho công tác xã hội (CTXH) trong lĩnh vực y tế.
 Trẻ em, đối tượng cần được nhân viên CTXH y tế quan tâm.

Nhân viên CTXH trong y tế làm gì?

Nhân viên công tác xã hội trong lĩnh vực y tế hoạt động nhằm hỗ trợ cho cá nhân, gia đình và nhóm để giúp họ đối phó với các bệnh tật mang tính mạn tính, cấp tính hoặc bệnh của tuổi già. Sự hỗ trợ đó có thể bao gồm hướng dẫn cách chăm sóc cho người nhà, thực hiện tham vấn và giáo dục cho bệnh nhân, giới thiệu đến các cơ sở cung cấp dịch vụ phù hợp. Các hoạt động nhằm giúp chăm sóc, quản lý công việc chăm sóc hoặc can thiệp để nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật và giúp bệnh nhân, thân chủ giải quyết những khó khăn trong tiếp cận với việc chăm sóc sức khỏe.

Thông thường, nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế có thể làm những công việc như sau đối với các bệnh nhân ở viện: Phối hợp với các nhà chuyên môn để lượng giá tình trạng sức khỏe thể lực, tinh thần của bệnh nhân và tìm hiểu các nhu cầu của họ; Giới thiệu bệnh nhân, thân chủ hoặc gia đình của họ tới các nguồn lực của cộng đồng nhằm trợ giúp họ phục hồi sức khỏe, tiếp cận với các dịch vụ như hỗ trợ tài chính, trợ giúp tư pháp, nhà ở, công việc hay giáo dục; vận động chính sách cho bệnh nhân hay thân chủ để giải quyết khủng hoảng; Tham vấn cá nhân hoặc nhóm cho bệnh nhân, thân chủ để giúp họ vượt qua sự phụ thuộc, phục hồi sức khỏe và cách nhìn nhận cuộc sống; Sử dụng số liệu tham vấn và kinh nghiệm CTXH để lập kế hoạch và phối hợp sự chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân, theo dõi sau điều trị để đảm bảo hiệu quả; Lập kế hoạch ra viện cho bệnh nhân trở về gia đình hoặc chuyển sang các cơ sở chăm sóc khác; Tổ chức nhóm trợ giúp hoặc tham vấn cho thành viên gia đình để giúp họ hiểu, đối phó và hỗ trợ thân chủ, bệnh nhân; Thiết kế kế hoạch can thiệp phù hợp với điều kiện và chế độ của bệnh nhân; Giám sát, đánh giá và báo cáo về những tiến triển của bệnh nhân theo mục tiêu đã đặt ra trong kế hoạch can thiệp ban đầu; Xác định những trở ngại trong môi trường của bệnh nhân hoặc những tiến triển thông qua phỏng vấn và hồ sơ ghi chép về bệnh nhân.

Các hoạt động của nhân viên CTXH trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe còn gắn với cộng đồng, từ các hoạt động phát triển cộng đồng đến phòng ngừa bệnh dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu hay phục hồi sức khỏe sau điều trị… Để áp dụng vào Việt Nam, cần có những nghiên cứu ứng dụng để xác định vai trò, nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong lĩnh vực này.

Trẻ em, đối tượng cần được hỗ trợ từ nhân viên CTXH trong y tế

Trẻ em là nhóm đối tượng đặc thù, có những đặc điểm khác với người trưởng thành cả về thể lực, tâm lý và đặc điểm xã hội. CTXH với trẻ em là lĩnh vực chuyên ngành, đi sâu nghiên cứu đặc điểm các độ tuổi theo 6 giai đoạn và từ đó xác định các phương pháp tiếp cận, can thiệp phù hợp với từng độ tuổi và từng loại vấn đề.

Trẻ em tại các cơ sở khám chữa bệnh: khi trẻ em đến các cơ sở khám chữa bệnh là các em đã có vấn đề về sức khỏe. Vai trò của nhân viên CTXH tại các cơ sở khám chữa bệnh cho trẻ em như các bệnh viện nhi, các phòng khám… trên nguyên tắc được xác định như vai trò của họ ở các cơ sở khám chữa bệnh nói chung. Tuy nhiên, các phương pháp sử dụng, cách tiếp cận và can thiệp để áp dụng vào điều kiện của Việt Nam cần được nghiên cứu đối với từng trường hợp cụ thể.

Để phát triển CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, Bộ Y tế cần quan tâm, có những nghiên cứu ứng dụng và tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình CTXH đã có ở Việt Nam; xác định hướng phát triển cho ngành CTXH trong lĩnh vực y tế ở nước nhà trong tương lai.

  Nguyễn Lan


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH