Theo đó, dùng chỉ nha khoa sẽ giúp ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn có thể gây viêm trong cơ thể và gây hại cho tim. Các chuyên gia khuyến cáo nên dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần, mỗi ngày trước khi đánh răng và thực hiện vệ sinh răng miệng tốt. Những phát hiện nghiên cứu sơ bộ mới đây cho thấy, thói quen dùng chỉ nha khoa có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, ngay cả khi chỉ thực hiện một lần một tuần.
Đột quỵ có thể xảy ra khi cục máu đông gây tắc nghẽn dòng máu lên não hoặc bị xuất huyết não đột ngột. Việc vệ sinh răng miệng như dùng chỉ nha khoa có thể ngăn ngừa cục máu đông, giảm nguy cơ biến chứng như đột quỵ, TS. William Shutze, Hiệp hội phẫu thuật mạch máu, người không tham gia vào nghiên cứu cho biết. Nghiên cứu này sẽ được trình bày tại Hội nghị Đột quỵ quốc tế năm 2025 của Hiệp hội đột quỵ Hoa Kỳ vào đầu tháng 2 này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới ước tính các bệnh về răng miệng ảnh hưởng đến gần 3,5 tỷ người trên toàn thế giới.
Dưới đây là những thông tin các nhà nghiên cứu phát hiện về mối quan hệ giữa việc dùng chỉ nha khoa và nguy cơ đột quỵ:
Nghiên cứu cho thấy dùng chỉ nha khoa làm giảm nguy cơ đột quỵ
TS. Souvik Sen, Trưởng Khoa thần kinh, Bệnh viện Prisma Health Richland và Trường Y khoa Đại học Nam Carolina - tác giả chính của nghiên cứu cho biết, các nhà khoa học đã xem xét mối quan hệ giữa thói quen vệ sinh răng miệng như dùng chỉ nha khoa, đánh răng, đi khám nha sĩ và nguy cơ đột quỵ do tình trạng nhiễm trùng răng miệng (một tình trạng phổ biến trên toàn cầu).
Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu của hơn 6.000 người tham gia nghiên cứu về rủi ro về xơ vữa động mạch trong cộng đồng. Đây cũng là một cuộc kiểm tra quy mô lớn về nguy cơ và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch tại Hoa Kỳ. Những người tham gia báo cáo tần suất sử dụng chỉ nha khoa, thói quen đánh răng, huyết áp, lượng đường trong máu, cholesterol, thói quen hút thuốc, chỉ số khối cơ thể, trình độ học vấn và các lần khám răng…
Sau 25 năm, 434 người tham gia đã bị đột quỵ (trong đó 147 trường hợp do cục máu đông ở động mạch não lớn, 97 trường hợp do cục máu đông hình thành trong tim và 95 trường hợp do cục máu đông ở các mạch máu nhỏ trong não); tổng cộng có 1.291 người tham gia bị rung nhĩ (hay AFib), là loại loạn nhịp tim phổ biến nhất (nhịp tim không đều) có thể làm gián đoạn dòng chảy bình thường của máu.
Dựa trên dữ liệu này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, dùng chỉ nha khoa có liên quan đến việc giảm 12% nguy cơ mắc AFib; giảm 22% nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ (khi cục máu đông ngăn cản dòng máu chảy đến não) và giảm 44% đột quỵ do tắc mạch tim (khi cục máu đông bắt nguồn từ tim). Các kết nối này vẫn tồn tại độc lập với việc đánh răng thường xuyên và khám răng định kỳ.
Mặc dù việc dùng chỉ nha khoa một lần/tuần có liên quan đến việc giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng nghiên cứu cũng kết luận rằng bạn dùng chỉ nha khoa càng thường xuyên thì cơ hội giảm đột quỵ càng cao.
TS. Shutze giải thích rằng, dùng chỉ nha khoa có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ vì giúp ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn, có thể xảy ra khi các hạt thức ăn còn sót lại giữa các kẽ răng. Vi khuẩn này có thể xâm nhập vào não hoặc máu, gây viêm mạch máu, kích hoạt cục máu đông; dẫn đến tình trạng viêm mạn tính liên quan đến bệnh nướu răng, có liên quan đến sức khỏe tim mạch kém. Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra các biến cố mạch máu đột ngột, đột quỵ và thậm chí là đau tim.
Mặc dù thừa nhận rằng cần phải nghiên cứu thêm, nhưng TS. Shutz cho biết những phát hiện này gợi ý tới một công cụ khác có thể giúp ngăn ngừa cục máu đông và đột quỵ.
Dùng chỉ nha khoa có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, do ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn, có thể xảy ra khi các hạt thức ăn còn sót lại giữa các kẽ răng, xâm nhập vào não hoặc máu, gây viêm mạch máu, kích hoạt cục máu đông…
Những điều cần biết về chỉ nha khoa
Chỉ nha khoa có nhiều loại bao gồm chỉ nha khoa truyền thống, tăm chỉ nha khoa và máy tăm nước (sử dụng luồng nước và áp lực tập trung để loại bỏ cặn thức ăn, vi khuẩn và mảng bám).
Học viện Nha chu Hoa Kỳ khuyến cáo, nên dùng chỉ nha khoa theo cách truyền thống kết hợp với máy tăm nước và dùng chỉ nha khoa trước khi đánh răng. Bạn nên đánh răng ít nhất hai lần/ngày bằng kem đánh răng có chứa fluoride.
Hãy dành khoảng hai phút để đánh răng, tập trung vào tất cả các bề mặt răng, bao gồm cả dọc theo đường viền nướu - nơi mảng bám có xu hướng tích tụ. Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm để tránh làm hỏng men răng hoặc gây kích ứng nướu.
Ngoài việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa, hãy thực hiện chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh như: Cắt giảm đồ uống có đường, vì chúng nuôi dưỡng vi khuẩn gây sâu răng. Thay vào đó, hãy ăn nhẹ các loại trái cây và rau quả giòn như táo và cà rốt - chúng không chỉ giúp răng sạch mà còn thúc đẩy sản xuất nước bọt, giúp bảo vệ miệng một cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, nên khám răng định kỳ. Việc thường xuyên đến nha sĩ để vệ sinh và kiểm tra răng miệng là chìa khóa để phát hiện sớm các vấn đề trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
Mời bạn xem thêm video:
8 loại thực phẩm là kẻ thù của răng miệng | SKĐS