Nhiều áp lực đè nặng lên vai học sinh
Đầu tháng 12 vừa qua, một nữ sinh 17 tuổi hiện đang học lớp 11 tại một trường THPT ở Nghệ An phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Do có những biểu hiện nặng, thậm chí đã có ý định tự sát nên em được điều trị tại khoa Tâm thần nữ.
Gần 2 tuần điều trị, bệnh nhân từ một người sống khép kín, buồn rầu, chán nản, em đã có những chuyển biến tích cực, hợp tác với bác sĩ trong quá trình thăm khám. Em cũng đã cởi mở hơn khi bắt đầu chia sẻ suy nghĩ của mình.
Đồng hành với con trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, chị Nguyễn Thị L. chia sẻ, chị rất đau lòng khi phải đưa con đến viện trong tình trạng tâm lý không bình thường. Trước đó, gia đình vì chủ quan nên không nhận thấy những dấu hiệu bất thường của con vì thấy con hàng ngày vẫn đi học, ăn uống và chơi, nói chuyện bình thường.
Dấu hiệu bất thường chỉ được phát hiện cách đây 4 tháng khi gia đình thấy cháu lười học, suốt ngày sử dụng điện thoại và đóng kín cửa ở trong phòng. Sợ con học kém, chị có mắng con và cố tình lấy điện thoại thì cháu phản ứng, thậm chí nằm lăn ra sàn nhà. Lo sợ sức khỏe của con, gia đình chị L. đã đưa con vào bệnh viện khám và điều trị. Sau khi nhập viện, chị mới biết con bị trầm cảm...
Phụ huynh này cho biết thêm, thực ra cháu đã có những diễn biến về tâm lý bất thường từ năm lớp 8 khi gia đình chuyển cháu vào học với dì tại Đắk Lắk. Lúc đó, môi trường sống thay đổi, cộng với người dì quá nghiêm khắc khiến cháu luôn bị ức chế. Lên THPT, cháu lại hay bị các bạn trên lớp trêu đùa, chê bai và cô lập nên bệnh của cháu càng nặng hơn. Trong khi đó, bố mẹ và anh chị lại không thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ nên cháu ngày càng chuyển biến xấu, có tình trạng tự ti, mặc cảm, hồi hộp, lo sợ, buồn chán...
Cùng thời điểm ấy, các bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị cho một học sinh lớp 11, học ở trường chuyên tại thành phố Vinh với rối loạn ám ảnh nghi thức. Theo các bác sĩ điều trị, bệnh nhân thường ám ảnh về số 7 và làm bất cứ một việc gì, kể cả học, chơi hay tham gia các hoạt động đều cố gắng phải làm đến 7 lần liên tục. Điều này, ảnh hưởng rất nhiều đến em trong quá trình học tập, chẳng hạn một câu thơ em phải viết đến 7 lần rồi mới có thể diễn đạt sang ý khác.
Bác sĩ Trần Đình Ngọc – Trưởng khoa tâm thần nữ Bệnh viện tâm thần Nghệ An cho hay, bệnh nhân này không điều trị nội trú mà xin điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại là khi bệnh nhân càng học lên cao, áp lực bài vở càng nhiều thì bệnh lại có xu hướng xuất hiện nhiều hơn và ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của em. Nếu bệnh kéo dài, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Bệnh nhân này cũng thừa nhận, em chịu khá nhiều áp lực về thành tích vì môi trường học tập ở trường chuyên khá nặng.
Cha mẹ, nhà trường cùng thay đổi
Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, trong năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận 144 bệnh nhân dưới 18 tuổi vào khám và điều trị nội trú với nhiều triệu chứng về rối loạn tâm lý ở lứa tuổi học đường. Số lượng không nhiều nhưng điều này cũng cho thấy, các căn bệnh về tâm lý ở tuổi học đường đã không còn hiếm. Trong số này, có không ít học sinh bệnh diễn biến nặng và đã từng có ý định tự sát.
Chia sẻ về vấn đề này, BS Trần Đình Ngọc - Trưởng khoa Tâm thần nữ - Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày càng trẻ hóa (nhiều nhất là từ 14 - 23 tuổi), trong đó có nhiều em bị trầm cảm do stress, vấn nạn bạo lực học đường. Đáng nói, số lượng học sinh ở thành thị mắc các bệnh trầm cảm nhiều hơn ở nông thôn. Có thể là do các em thường chịu nhiều áp lực hơn về học tập, các em không có thời gian để vui chơi, để tái tạo năng lượng. Bên cạnh đó, các em chịu nhiều tác động ở bên ngoài như chơi game, mạng xã hội và nhiều mối quan hệ xã hội khác.
Nhiều năm liền làm giáo viên chủ nhiệm, làm quản lý, cô Nguyễn Thị Vững - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) và đồng nghiệp cũng đã thực hiện một đề tài sáng kiến kinh nghiệm về giải pháp để cải thiện chứng rối loạn tâm lý trong học tập và cuộc sống của học sinh.
Từ những trải nghiệm thực tế, cô Nguyễn Thị Vững chia sẻ, khi chịu quá nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè, thành tích… các em dễ có xu hướng suy nghĩ tiêu cực. Để hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng công tác tư vấn tâm lý đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Qua đó, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách. Đồng thời, phát hiện, tham vấn giúp đỡ học sinh có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Liên quan đến chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm ở lứa tuổi học đường, BS Trần Đình Ngọc cũng cho biết thêm, cha mẹ có thể dễ dàng phát hiện những triệu chứng điển hình của trầm cảm ở trẻ như rối loạn về mặt hành vi, đó là giấc ngủ các em không đảm bảo, không ngủ được. Trong ăn uống có khi thất thường, cảm giác ăn không ngon miệng...
Ngoài ra, còn một số triệu chứng như cảm xúc buồn chán, giảm các mối quan tâm dù có thể trước đây các em thích mua sắm, thích làm đẹp, thích thể thao, giảm các hoạt động, giảm năng lượng, không muốn lao động. Bên cạnh đó, các em có các biểu hiện như giảm khả năng học tập, nhìn mọi thứ với con mắt tiêu cực, tự ti về bản thân, không muốn ra chỗ đông người, run tay, vã mồ hôi.
Khi có các triệu chứng trên, BS Ngọc khuyến cáo, ngoài đến các cơ sở y tế có uy tín để kiểm tra, khám sức khỏe và điều trị thì điều quan trọng hơn cả đó là sự quan tâm của gia đình. Ngoài ra, cha mẹ nên dành thời gian cho các con được thoải mái, tạo thời gian để các con được vận động thể dục, thể chất để các con có sức khỏe thể chất và cải thiện về mặt cảm xúc.