Hà Nội

Giảm lây nhiễm HIV từ các nhóm có hành vi nguy cơ cao

08-01-2013 08:00 | Thời sự
google news

Tại Hải Phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin kết quả Dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Sau 6 năm triển khai dự án đã góp phần quan trọng làm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng…

Tại Hải Phòng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo chia sẻ thông tin kết quả Dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Sau 6 năm triển khai dự án đã góp phần quan trọng làm giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng…

HIV vẫn diễn biến phức tạp

Tại hội thảo, ThS. Mai Xuân Phương, Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: Ở nước ta, dịch vẫn trong giai đoạn tập trung, số người nhiễm HIV vẫn cao trong nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm di biến động. Tính đến tháng 11/2012, cả nước có 256.845 người nhiễm HIV, 592.06 người chuyển sang AIDS và 620.73 người tử vong do HIV/AIDS, hiện tại có 69.882 người đang điều trị HIV/AIDS.

Mặc dù dịch HIV có xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đảm bảo tính bền vững. Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục hiện nay đã cao hơn lây truyền qua đường máu (điều này càng khó khăn cho công tác dự phòng lây nhiễm HIV và can thiệp giảm thiểu tác hại). Trong khi đó, tỷ lệ phụ nữ bán dâm sử dụng bao cao su thường xuyên với khách hàng vẫn còn thấp ở phần lớn các tỉnh.

Dịch HIV/AIDS đang ở mức cao, khó kiểm soát, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và các huyện miền núi của Nghệ An, Thanh Hóa. Tại 2 thành phố lớn là Hà  Nội và TP. Hồ Chí Minh, dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo tỷ lệ nhiễm HIV ở nước ta vào năm 2015 khoảng 0,29% dân số. Số người nhiễm HIV mới trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới sẽ có xu hướng tăng cao và số người có nhu cầu điều trị ARV là trên 140.000 người.
Giảm lây nhiễm HIV từ các nhóm có hành vi nguy cơ cao 1
 Một điểm cung cấp bơm kim tiêm cố định tại TP. Cần Thơ.
Tập trung vào can thiệp giảm tác hại

Được biết, 6 năm qua, Dự án Phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam được triển khai tại 32/63 tỉnh, thành phố cả nước với các hoạt động: truyền thông thay đổi hành vi cho những người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao; Can thiệp giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS; Điều trị thay thế các loại thuốc gây nghiện bằng methadon và xây dựng mô hình lồng ghép về điều trị và dự phòng HIV/AIDS...

Về can thiệp giảm tác hại, dự án tập trung tổ chức và phát triển mạng lưới tuyên truyền viên đồng đẳng (TTVĐĐ). Thông qua mạng lưới này tiếp cận truyền thông, phân phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch và bao cao su cho nhóm nghiện chích ma túy (NCMT), nhóm gái mại dâm (GMD) và nữ tiếp viên các dịch vụ vui chơi giải trí nhạy cảm… Có thể nói, chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm NCMT và GMD được coi là một chương trình trọng tâm của dự án. 

Độ bao phủ về địa bàn can thiệp trên nhóm NCMT ở cả tuyến huyện và tuyến xã, phường trong năm đầu triển khai dự án ở mức trên 25% và tăng dần trong các năm sau. Sau 6 năm can thiệp tăng lên trên 50% (chủ yếu tập trung can thiệp các địa bàn trọng điểm về ma túy và có tỷ lệ nhiễm HIV cao). Việc triển khai thực hiện chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm NCMT và gái mại dâm, các TTVĐĐ đã đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động phân phát bơm kim tiêm và bao cao su cho đối tượng đích. Số liệu thống kê cho biết, trên 85% số lượng bơm kim tiêm và bao cao su phân phát cho các đối tượng đích là do TTVĐĐ thực hiện, số còn lại là qua các kênh khác. Số lượng bơm kim tiêm, bao cao su mua và phân phát tăng dần qua các năm. Năm 2010 đạt đỉnh cao về số lượng bơm kim tiêm mua vào là 27 triệu, phân phát được 17,9 triệu; trong khi đó bao cao su mua vào là 23,1 triệu và phân phát được 11,2 triệu bao. Có thể nói, kết quả đó đánh dấu bước ngoặt lớn đối với chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và mại dâm. Dự án đã góp phần làm giảm tỷ nhiễm HIV và hành vi nguy cơ của nhóm NCMT và mại dâm được thay đổi theo hướng tích cực.

Do những hiệu quả tích cực của Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong dự án, Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Phát triển quốc tế của Anh (DFID) sẽ tiếp tục tài trợ thực hiện chương trình trong năm 2013 ở nước ta.

Thu Hương


Ý kiến của bạn