Giảm kỳ thị với HIV, đòn bẩy hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030

SKĐS - Trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kết thúc dịch vào năm 2030, một trong những biện pháp quan trọng là giảm kỳ thị với người nhiễm HIV.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bất kỳ ai cũng có thể nhiễm HIV/AIDS, không phân biệt chủng tộc, tuổi tác hoặc các phẩm chất cá nhân khác.

Kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV khiến họ bị xa lánh, ruồng bỏ, bị tổn thương, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị để bảo vệ họ và những người khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Ở nước ta, để giảm kỳ thị và hướng tới hoàn thành mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cũng đã đề ra mục tiêu: 80% thanh niên 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và 80% người dân 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

1. Vì sao người bị nhiễm HIV/AIDS bị kỳ thị và phân biệt đối xử?

Theo BS. Khuất Thị Hải Oanh- Giám đốc SCDI (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng), so với 10 năm trước, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm đi nhưng cũng vẫn còn phổ biến.

Có nhiều hình thức kỳ thị với người nhiễm HIV, nhẹ nhất là xì xầm bàn tán, tỏ sự xa lánh, xa cách hay không muốn gần gũi, không muốn tiếp xúc. Nặng nề hơn là sự phân biệt đối xử như tìm cách cho họ nghỉ việc hoặc không cung cấp dịch vụ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị với người nhiễm HIV, trong đó phải kể đến các nguyên nhân chính sau đây:

- Do bản chất của bệnh: HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc trị, chưa có vaccine phòng bệnh và là bệnh có thể dẫn đến tử vong. Hơn nữa, nhiều người nghĩ HIV là căn bệnh mà chỉ một số nhóm nhất định mới mắc phải. Điều này dẫn đến những đánh giá tiêu cực và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

- Do thiếu hiểu biết: Việc thiếu thông tin về HIV/AIDS dẫn tới thiếu hiểu biết hay hiểu không đúng về căn bệnh này. Chẳng hạn cho rằng HIV lây truyền qua những tiếp xúc thông thường hay chỉ gặp ở những nhóm đối tượng xấu xa của xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm… khiến người dân lo sợ bị nhiễm HIV và có thái độ kỳ thị với người nhiễm HIV.

photo-1695892072049

Do những quan niệm sai lầm dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

2. Hậu quả của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là thái độ, hành vi và đánh giá không hợp lý hoặc tiêu cực đối với những người sống chung với hoặc có nguy cơ nhiễm HIV.

Việc làm này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của những người nhiễm HIV như:

  • Người bệnh giấu giếm tình trạng bệnh, có cảm giác mặc cảm, tội lỗi, không dám tiếp xúc với cộng đồng và không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS.
  • Người bệnh HIV/AIDS có thời gian dài sống khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Nhưng khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không có cơ hội được làm việc, được cống hiến, có thể dẫn đến tâm lý chán nản, u uất, tự tử… và gây thêm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
  • Kỳ thị, phân biệt đối xử có thể khiến người nhiễm HIV gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tuân thủ điều trị, chăm sóc sức khỏe hay tự do đi lại, học hành, làm việc…

Ngoài ra, kỳ thị và phân biệt đối xử cũng có thể ảnh hưởng đến những người có nguy cơ nhiễm HIV như ngăn cản họ tìm kiếm các công cụ và xét nghiệm phòng ngừa HIV hay không nói chuyện cởi mở với bạn tình về các lựa chọn tình dục an toàn.

photo-1695892073485

Kỳ thị, phân biệt đối xử khiến người nhiễm HIV tự thu mình và từ chối điều trị, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống HIV/AIDS.

Kỳ thị, phân biệt đối xử còn ảnh hưởng đến công tác phòng chống HIV/AIDS do khó tiếp cận được với người bệnh nên khó có được số ca bệnh chính xác để ước tính và dự báo tình hình dịch.

Kỳ thị, phân biệt đối xử góp phần làm thất bại các mục tiêu của chương trình phòng chống HIV/AIDS như mục tiêu 95-95-95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 95% người biết tình trạng của mình được điều trị đặc hiệu bằng thuốc ARV và 95% số người được điều trị có tải lượng dưới ngưỡng phát hiện, không còn khả năng lây nhiễm nữa).

BS. Khuất Thị Hải Oanh cho biết, sự kỳ thị ảnh hưởng rất rõ rệt đến mục tiêu này vì nhiều trường hợp biết mình có nguy cơ cao nhưng sợ xét nghiệm HIV sẽ bị dương tính, sẽ bị kỳ thị nên không đi xét nghiệm. Điều này ảnh hưởng đến kết quả 95% đầu tiên. Nếu mục tiêu này không thực hiện được sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu 95% thứ hai và mục tiêu 95% thứ 3.

Hơn nữa, người nhiễm HIV/AIDS cũng có thể trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả, bổ sung nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS nhưng sự kỳ thị và phân biệt đối xử đã làm mất đi lực lượng này.

Giảm kỳ thị với người nhiễm HIV, đòn bẩy cho mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030 - Ảnh 4.

Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV giúp công tác phòng, chống HIV/AIDS nhanh chóng đạt mục tiêu.

3. Biện pháp nào giúp giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Nhằm giảm tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV cần xây dựng các chiến lược truyền thông giúp nâng cao nhận thức về HIV, để cộng đồng hiểu và hỗ trợ quyền của người 'có H' và các nhóm quần thể nguy cơ.

Mở rộng các dịch vụ tư vấn gia đình để tạo điều kiện tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa những người có H và gia đình để hỗ trợ, trang bị cho các thành viên trong gia đình các kỹ năng ứng phó với kỳ thị từ cộng đồng tập trung vào người thân sống với HIV của họ.

Đa dạng hóa các chiến dịch và can thiệp xóa bỏ kỳ thị đối với HIV để đảm bảo các thông điệp được điều chỉnh sao cho phù hợp với các nhu cầu của mỗi nhóm quần thể nguy cơ.

Bên cạnh đó, cũng cần có những biện pháp giảm kỳ thị với những đối tượng tự kỳ thị hay kỳ thị chéo như tiếp tục đẩy mạnh việc phổ biến hiệu quả thông điệp K=K (Không phát hiện= Không lây nhiễm) tại Việt Nam; mở rộng và phát triển hơn nữa các mô hình cung cấp dịch vụ được đa dạng hóa trong khu vực nhà nước và tư nhân nhằm cung cấp cho các nhóm quần thể nguy cơ và người nhiễm HIV nhiều lựa chọn và giải pháp tiếp cận dịch vụ y tế

photo-1695892074006

Không kỳ thị, phân biệt đối xử giúp người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị, góp phần đẩy lùi đại dịch.

Mời bạn xem tiếp video:

Đại biểu Qũy toàn cầu ấn tượng trước kết quả Phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam |SKĐS


An Khánh
Ý kiến của bạn