Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV, cách nào?

11-09-2023 12:16 | Xã hội

SKĐS - HIV đã hiện diện trên thế giới hơn 40 năm, tuy nhiên sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người có HIV vẫn đang là rào cản lớn. Điều này làm cho những người có HIV khó tiếp cận điều trị cũng như gặp khó khăn trong cuộc sống.

Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử sẽ là một yếu tố rất quan trọng để giảm người mắc và tiến tới chấm dứt dịch bệnh HIV/AIDS. 

Anh Nguyễn Mạnh Hùng một người đã mắc HIV đến nay đã 15 năm rất thấu hiểu và 'ngấm' sự kỳ thì với bản thân như thế nào.

Chia sẻ trong chương trình Truyền hình trực tuyến do Báo Điện tử Sức khỏe & Đời sống kết hợp cùng Cục Phòng Chống HIV/AIDS Bộ Y tế tổ chức, anh Hùng cho biết: Nhiều người thấy là tránh xa, họ xì xèo bàn tán vì sợ lây, mặc dù bản thân tôi thấy bây giờ HIV được tuyên truyền và mọi người cũng hiểu về căn bệnh hơn ngày xưa rất nhiều. Thế nhưng, hàng ngày hàng giờ tôi vẫn luôn phải nghe câu nói  như 'cái thằng ết' và gặp không ít sự khinh bỉ, ghẻ lạnh của mọi người. Bản thân tôi cũng ý thức được bệnh nên tôi cũng giữ gìn mình hết sức tuy nhiên đáp lại vẫn là sự kỳ thị phân biệt của những người xung quanh. Khi bị kỳ thị tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống không có cơ hội kiếm việc làm, đi chỗ nào cũng bị từ chối, đến mở một sạp bán hàng nhỏ cũng không có người mua. Dần dần, tôi thu mình lại. Không dám tiếp xúc với ai vì tôi nghĩ rằng cứ mỗi lần bước chân ra ngoài đường là mọi người đều sẽ đổ dồn về chị với ánh mắt dè bỉu, coi thường.

Anh Hùng mong muốn, mọi người nếu mở rộng hơn thì chúng tôi cũng cảm thấy đỡ tủi thân và thấy mình có cơ hội được tìm việc làm nuôi sống bản thân, chúng tôi không làm hại gì cho xã hội mà chỉ muốn được mở lòng hơn, đó là mong ước của chắc không phải riêng tôi mà với nhiều người có HIV đang bị kỳ thị.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Khuất Thu Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS cũng cho hay: nguyên nhân cố lõi nhất khiến cho sự kỳ thị là sự thiếu hiểu biết. Có rất nhiều hiểu biết sai lầm về con đường lây truyền của HIV. TS Hồng chia sẻ, thời gian đầu khi cơ quan chúng tôi nhận người có HIV về làm việc, nhiều người rất sợ, e ngại và cũng thắc mắc là tại sao lại đưa người có HIV về làm việc.

Một nguyên nhân nữa là sự nhận thức về những người có HIV. Nhiều người đang đánh đồng HIV với tệ nạn xã hội. Họ coi người bị HIV là người xấu, những người không ra gì, sống phi đạo đức do đó họ kỳ thị và không chấp nhận được điều đó.

Sự phân biệt đã cản trở nhiều công tác phòng chống HIV cho rằng sự kỳ thị là dịch bệnh thứ 2. Vì thế để giảm thiểu kì thị và phân biệt đối xử với HIV trong cộng đồng, TS Hồng cho rằng, cần động viên hỗ trợ  người HIV vượt lên chính mình bằng cách động viên họ, khích lệ họ, khuyến khích và đồng hành cùng họ. Có thể  tổ chức thành nhóm, câu lạc bộ, mạng lưới người có H, mạng lưới người làm nghề mại dâm, người nghiện họ kết nối chia sẻ với nhau.

Tiếp đến là truyền thông cộng đồng để người dân hiểu rõ về HIV là gì? lây truyền như thế nào và không lây như nào. Khi hiểu thì người dân không xa lánh người có H nữa.

Đồng thời, thay đổi cách truyền thông cũ những hình ảnh người có HIV là nhìn rất đáng sợ, nói đến HIV là nói đến sự chết chóc, nói đến rùng rợn…

Ngoài ra cần truyền thông cụ thể hơn, truyền thông đến tận các cơ quan đơn vị để họ hiểu nếu nơi mình làm mà có người nhiễm HIV thì qua tiếp xúc hàng ngày cũng không thể lây bệnh được mà quan trọng nhất là hành vi của chúng ta. Nếu chúng ta có hành vi tốt như quan hệ tình dục an toàn… thì chúng ta không thể bị lây nhiễm HIV được.

'Thực tế chúng tôi đã có nhiều chương trình giúp người có HIV tự tin mạnh mẽ hơn đối mặt với phân biệt đối xử, truyền năng lượng cho họ để tự tin thoát ra khỏi vỏ bọc và khẳng định với xã hội rằng tôi có H nhưng tôi vẫn tự tin, tôi vẫn đóng góp cho xã hội, công đồng. Và đã có rất nhiều người đã bước ra khỏi sự kỳ thị và sống tốt đóng góp rất tích cực cho cộng đồng', TS. Khuất Thu Hồng nói.

Việc kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn tiếp tay cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Vì vậy, tất cả chúng ta hãy chung tay hỗ trợ người nhiễm HIV và những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, cùng mở lòng, chia sẻ, đồng cảm với những nhóm người dễ bị tổn thương nhất để kỳ thị và phân biệt đối xử chỉ còn là quá khứ. Đồng lòng, chúng ta sẽ xóa bỏ được kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng lòng, chúng ta sẽ kết thúc được dịch AIDS!

H.Nguyên
Ý kiến của bạn