Nhiều năm liên tiếp Việt Nam đã đạt được mục tiêu 3 giảm: Giảm số người nhiễm mới HIV được phát hiện hàng năm; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS; và giảm số người tử vong liên quan đến HIV/AID; cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu này, hiện còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, trong đó kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế đang được xác định là một trong những rào cản quan trọng nhất.
Giảm kỳ thị phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế góp phần đẩy lùi dịch.
Rào cản lớn trong phòng, chống HIV/AIDS
Kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế khiến người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV không tiếp cận các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Những người trong nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV sợ không đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm HIV. Với những người đã biết tình trạng nhiễm HIV, họ có thể che giấu, dẫn tới tỷ lệ tiếp cận với điều trị HIV thấp, tỷ lệ bỏ điều trị cao... và đang là rào cản trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn làm cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng.
Nghiên cứu năm 2016 tại một số bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh cho thấy: có khoảng 73% cán bộ y tế lo sợ nhiễm HIV khi điều trị hay chăm sóc cho người nhiễm HIV; 69% nhân viên y tế sử dụng các biện pháp dự phòng quá mức hoặc không cần thiết; 61,1% nhân viên y tế cho biết họ đã không thể thảo luận với cán bộ y tế về việc điều trị cho mình. Đây chỉ là một số các minh chứng về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế hiện nay. Do vậy, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế được coi là một trong các giải pháp đột phá giúp người nhiễm HIV tiếp cận và tiếp tục sử dụng dịch vụ để có thể đạt được các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS đã đề ra. Việc tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ y tế về kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS là hết sức cần thiết.
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến hết năm 2017 có khoảng 200 ngàn người nhiễm HIV được quản lý và còn sống. Tuy nhiên, trong số này chỉ có khoảng 170 ngàn người đang điều trị ARV, nghĩa là còn khoảng 30 ngàn người nhiễm đang sống trong cộng đồng chưa được điều trị vì nhiều lý do, trong đó phải kể đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế.
Bộ Y tế tăng cường triển khai công tác giảm kỳ thị và phân biệt đối xử trong các cơ sở y tế
Để giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế, cải thiện chất lượng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, tháng 12/2017, Bộ Y tế đã ra Chỉ thị số 10/CT/BYT về tăng cường hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế. Theo đó, Bộ yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trong toàn ngành thực hiện những nội dung sau đây:
- Căn cứ vào hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, xây dựng kế hoạch hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV dựa trên tình hình thực tế của đơn vị, tổ chức triển khai các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV theo kế hoạch được duyệt.
- Tổ chức tập huấn về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV, dự phòng chuẩn trong các cơ sở y tế cho cán bộ, nhân viên, nhất là các cán bộ y tế trực tiếp cung cấp các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
- Rà soát lại các quy trình cung cấp dịch vụ dễ phát sinh kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế như quy trình xét nghiệm HIV và trả kết quả xét nghiệm; quy trình khám bệnh, chữa bệnh; quy trình lưu trữ hồ sơ, bệnh án; quy trình bảo mật thông tin cá nhân người bệnh, qua đó điều chỉnh, cập nhật các quy trình để tránh kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
- Xây dựng và phổ biến bộ quy tắc thực hành về chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS hoặc lồng ghép các nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong quy tắc ứng xử của công chức, viên chức y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Khuyến khích sự tham gia của các nhóm cộng đồng, người nhiễm HIV vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và theo dõi giám sát việc thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV tại các cơ sở y tế.
- Tổ chức theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong các cơ sở y tế; định kỳ đánh giá và sơ kết, tổng kết để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS...
Được biết, thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS liên tục tổ chức các khóa đào tạo Giảng viên về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS trong cơ sở y tế nhằm nâng cao năng lực về truyền thông giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế. Sau khóa tập huấn, các tỉnh sẽ chủ động tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng của các cán bộ y tế trong truyền thông giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cơ sở y tế.