Giám kiểm thuốc điều trị: Giúp đạt hiệu quả điều trị tối đa và giảm thiểu tác hại của thuốc

21-12-2018 07:52 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Giám kiểm thuốc điều trị (GKTĐT) là phương pháp kiểm soát nồng độ thuốc trong máu bệnh nhân nhằm đạt hiệu quả điều trị tối đa và giảm thiểu tác dụng gây độc của thuốc.

Quy trình GKTĐT như sau: chẩn đoán bệnh, chọn thuốc điều trị, chỉ định GKTĐT, định lượng thuốc trong nghiệm phẩm (máu toàn phần/ huyết tương/ huyết thanh) nhiều lần theo thời gian, nhận định về kết quả GKTĐT và nếu thấy cần thì điều chỉnh liều thuốc dùng cho bệnh nhân theo yêu cầu của GKTĐT.

Tác dụng điều trị, tác dụng độc và nồng độ thuốc

Thuốc điều trị nào cũng có tác dụng mong muốn - hiệu quả điều trị - và tác dụng phụ không mong muốn - gây độc. Cả hai tác dụng này phụ thuộc vào liều thuốc sử dụng.

Thuốc được tiêm vào máu hoặc được uống rồi được hấp thu ở ống tiêu hóa vào máu. Đối với đa số thuốc thì có sự tương ứng nhất định liều giữa nhập và nồng độ (Concentration = C) của thuốc trong máu. Dòng máu phân phối thuốc đến các mô, trong đó có mô đích (là mô mà thuốc tác động). Thuốc có thể được chuyển hóa bởi gan, thận,... thành sản phẩm chuyển hóa có tác dụng mạnh hơn hoặc yếu hơn thuốc ban đầu. Thuốc và sản phẩm của thuốc được đào thải ra nước tiểu hoặc phân.

Cường độ tác dụng của thuốc phụ thuộc vào nồng độ của thuốc trong máu hơn là liều thuốc. Nồng độ thuốc trong máu phản ánh đúng nồng độ thuốc tại mô đích vì vậy việc theo dõi nồng độ thuốc trong máu rất có ích cho việc điều chỉnh liều thuốc.

Sau khi vào máu thì thuốc có nồng độ tăng dần (theo mức độ hấp thu) sau một thời gian sẽ đạt tối đa - đó là nồng độ đỉnh - sau đó giảm dần (do bị đào thải) và đạt nồng độ tối thiểu - đó là nồng độ trũng trước liều tiếp theo. Khoảng điều trị là khoảng nồng độ ứng với tác dụng điều trị mong muốn. Cửa sổ điều trị hay cửa sổ an toàn là khoảng nồng độ giữa nồng độ tối thiểu có hiệu quả và nồng độ tối thiểu gây độc.

Trong giám kiểm thuốc thì người ta chú ý tới nồng độ trũng (C0) và nồng độ tối đa ( C2), yêu cầu về chúng thay đổi theo cách trị liệu cho từng bệnh.

Khoảng điều trị và nồng độ gây độc của thuốc.

Khoảng điều trị và nồng độ gây độc của thuốc.

GKTĐT là gì?

Những trường hợp cần GKTĐT: Thuốc có khoảng điều trị hẹp; Phương pháp giám kiểm khác (thí dụ huyết áp) không có hiệu quả; Đánh giá sự tuân trị của bệnh nhân; Cần xác định thời gian đạt nồng độ thuốc thích hợp trong máu; Điều trị kéo dài v.v...

Những thuốc thường được giám kiểm: Thuốc tim mạch (Digoxin,Lisopyramide, Lignocaine, Procainamide, Propanolol,...). Thuốc giãn phế quản (Theophylline). Thuốc chống trầm cảm lithi và thuốc chống trầm cảm tricyclic. Thuốc chống động kinh (phenytoin, benzodiazepine, phenobarbitone, carbazepin, acid valproic,...). Thuốc kháng sinh (gentamycin, amikacin, tobramicin). Thuốc trị ung thư (methotrexate). Thuốc ức chế miễn dịch (cyclosporine).

3 thí dụ cụ thể ở BV Chợ Rẫy

Trường hợp 1: Bệnh nhân T. T. L. sinh năm 1959, nhập viện ngày 29/08/2018. Bệnh nhân được chẩn đoán hẹp khít van hai lá - viêm phổi - tăng áp phổi, và được chỉ định dùng digoxinvới liều 0,25mg uống một lần mỗi ngày. Uống liên tục trong 9 ngày. Kết quả định lượng nồng độ trũng của digoxin sau 9 ngày là < 0,3 ng/mL chưa đạt nồng độ điều trị mong muốn, nguyên nhân là do bệnh nhân quên dùng thuốc (bệnh nhân không tuân trị) vào ngày thứ 7, bác sĩ tiếp tục duy trì liều như trên, sau 13 ngày nồng độ thuốc là 1,27ng/ml, đạt nồng độ điều trị mong muốn nên bệnh nhân tiếp tục duy trì với liều thuốc này...

Trường hợp 2: Bệnh nhân Ng. T. A. sinh năm 1989 được ghép thận ngày 21/06/2018 và uống cyclosporin (khoảng điều trị=150-400mcg/ml, nhưng đối với những ca ghép tạng thì yêu cầu cao hơn,thí dụ nồng độ trũng là 200ng/mL và nồng độ tối đa là 1.000-1.500ng/mL) với liều 0,75mg/kg cân nặng. Sau một ngày dùng thuốc cyclosporin thì nồng độ trũng đạt 97ng/ml và nồng độ đỉnh 1183ng/ml, như vậy mới gần đạt ngưỡng nồng độ điều trị mong muốn nên được bác sĩ tiếp tục dùng liều như cũ và ngày thứ ba sau khi bắt đầu dùng thuốc thì  nồng độ cyclosporincho trũng là 142ng/ml; nồng độ đỉnh là 1.247ng/ml,  thuốc đã đạt nồng độ điều trị mong muốn nên bệnh nhân tiếp tục uống với liều như trên.

Trường hợp 3: Bệnh nhân H.N.Q.A. sinh năm 1996, nhập viện 12/09/2018 và với chẩn đoán đa chấn thương và vết thương phức tạp ở chân trái, được chỉ định phẫu thuật và dùng kháng sinh vancomycin (nồng độ trũng mục tiêu là 10-20mcg/ml) với liều 0,5g truyền tĩnh mạch một lần /ngày, đến ngày thứ tư thì nồng độ trũng là 4.78mcg/ml thấp hơn nồng độ mục tiêu, nên bác sĩ cho tăng liều vancomycin lên 1g một lần /ngày, đến ngày thứ 8 thì nồng độ trũng đạt 13,12 mcg/ml đạt nồng độ điều trị mong muốn.


Đỗ Đình Hồ - Trần Thành Vinh
Ý kiến của bạn