Chương trình SHĐ được thực hiện theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Chương trình Sữa học đường ngày 8/7/2016, và Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình SHĐ. Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện chương trình SHĐ.
Đây là chương trình rất có hiệu quả cả về an ninh xã hội cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết 20, 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Khoá XII về nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam; Đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phụ huynh phấn khởi…
Cô Y My cho biết, năm nay là năm thứ 2, Trường Mầm non Đắk Hà thực hiện chương trình SHĐ. Hiện, mỗi tuần các bé (trong độ tuổi từ 3-6 tuổi) được uống 3 hộp sữa vào các ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6. Các cô giáo ở đây rất vui vì thấy trẻ đi học đều đặn, được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ nên có sức khỏe tốt hơn, không còn xanh xao gầy gò như nhiều năm về trước.
Nhớ lại những ngày đầu tiên, những hộp SHĐ “lên lớp” cùng các em, bé nào cũng hào hứng song khó khăn lại chính là ở nhận thức của các bậc phụ huynh. Có những gia đình đông con, bữa ăn gia đình đạm bạc chỉ có cơm trắng nên khá thờ ơ coi sữa là thứ gì đó quá xa xỉ, số khác lại không đủ tiền nộp mua sữa cho con.
Mặc dù đã có sự hỗ trợ của ngân sách địa phương, của doanh nghiệp, phụ huynh chỉ phải đóng 10%, tổng cộng cả năm là 72.000 đồng nhưng một số gia đình vẫn vượt quá khả năng. Không đành lòng nhìn một vài bé thiếu sữa uống, thầy cô ở Trường Mầm non Đắk Hà đã chắt chiu những đồng lương ít ỏi của mình để cùng nhau đóng tiền cho các con có sữa uống. Đáng mừng là năm nay tất cả các gia đình đều đã đồng lòng đóng góp mua sữa cho con em mình.
Các em nhỏ Trường Mầm non Đắk Hà trong giờ vui chơi.
Chị Y Thanh - thôn Mô Pả, xã Đắk Hà là phụ huynh có 2 con (bé 3 tuổi và bé 5 tuổi) đang theo học tại Trường Mầm non Đắk Hà chia sẻ, do kinh tế còn hạn chế nên trước đây các bé ít được uống sữa. Hai bé tuy cũng sát tuổi nhau nhưng hễ em uống thì chị thôi, gia đình không thể cho 2 con uống sữa đều hằng ngày được. Từ khi có chương trình SHĐ được triển khai với mức đóng góp của gia đình là 72.000 đồng/cháu/năm, chị Y Thanh cho rằng, mức đóng này rất phù hợp và gia đình có thể theo được.
“Các con vui lắm, nhờ có sữa uống mà no cái bụng hơn. Trẻ ăn được, ngủ được nên gia đình rất vui”- người mẹ trẻ nói.
Mô hình cần nhân rộng
Theo ông Đào Duy Khánh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 20 trường mầm non và tiểu học tại 10 xã thuộc 6 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy và Ia H’Drai đang triển khai chương trình SHĐ. Năm học 2017-2018 có 5.881 học sinh. Năm học 2018-2019 có 6.087 học sinh được thụ hưởng chương trình SHĐ.
Để đánh giá hiệu quả chương trình, các trường học đã phối hợp Trạm Y tế, Trung tâm Y tế tổ chức cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh được thụ hưởng chương trình khi bắt đầu triển khai (tháng 12/2017 và tháng 1/2018) sau đó, định kỳ thực hiện cân, đo 1 lần/học kỳ.
Qua 2 năm thực hiện, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng/tuổi giảm 3,55%, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi giảm 0,97% - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho hay.
Có được kết quả này là do đã có sự phối hợp liên ngành, nhất là y tế - giáo dục phối hợp kiểm tra, giám sát việc triển khai chương trình tại các trường học kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp khắc phục, thực hiện thống kê báo cáo hoạt động theo quy định.
Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấ còi đã giảm đáng kể nhờ dinh dưỡng đầy đủ.
Tại tuyến huyện và các trường học, các trung tâm y tế huyện tham gia chương trình và các trường học đã phân công lãnh đạo đơn vị phụ trách và một nhân lực phụ trách hoạt động chương trình SHĐ tại đơn vị; cùng phối hợp giữa 2 ngành giáo dục và y tế trong quá trình triển khai các hoạt động của chương trình tại trường học như: Lập kế hoạch, dự trù sữa; kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu tiếp nhận, bảo quản và thực hành cho học sinh uống sữa; cân, đo theo dõi tình trạng dinh dưỡng của học sinh; giám sát thực hiện chương trình tại trường học… nhằm đảm bảo thực hiện tốt chương trình SHĐ...
Tại trường học, sữa được bảo quản trên các tủ, kệ đặt trong phòng có mái che, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh côn trùng, động vật… Tuy nhiên, vẫn có một số điểm trường lẻ tại thôn, điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc chưa đảm bảo cho việc bảo quản sữa qua đêm tại trường. Từ tháng 12/2017 đến hết tháng 5/2019, 20 trường học tham gia chương trình đã tổ chức cho học sinh uống sữa đầy đủ theo định kỳ 3 hộp/tuần 9 tháng của năm học, số lượng sữa đã sử dụng trong 2 năm 1.039.731 hộp. Các trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng lớp, cấp phát sữa theo kế hoạch và tổ chức cho học sinh uống sữa tại lớp theo đúng quy định, đảm bảo về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, lưu đầy đủ hồ sơ theo dõi trong quá trình thực hiện.
Một vấn đề nữa là nguồn kinh phí mua sữa cho học sinh được huy động từ 3 nguồn: ngân sách địa phương đảm bảo 60%, đơn vị cung ứng sữa hỗ trợ 30% và huy động phụ huynh đóng góp chỉ 10%. Song, có một số ít phụ huynh học sinh còn gặp khó khăn trong thực hiện, đóng góp kinh phí chậm (như ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông) và có một số học sinh mồ côi, gia đình neo đơn gặp khó khăn, giáo viên chủ nhiệm phải thực hiện đóng góp (huyện Sa Thầy, 18 học sinh).