Việt Nam hiện vẫn đưa ra những bước kiểm soát hiệu quả gồm phát hiện sớm và khoanh vùng trúng đích. Đồng thời, TS.Kasai cũng nhận định lạc quan về vắc-xin made in Vietnam.
TS.Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương tại họp báo nhân Ngày Sức khỏe Thế giới.
Họp báo WHO khu vực Tây Thái Bình Dương diễn ra vào ngày 7/4 để kỷ niệm Ngày Sức khỏe Thế giới (10/4). Ngày 10/4 đồng thời cũng là ngày sáng lập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Họp báo thu hút sự tham gia đông đảo của giới báo chí tại khu vực cũng như một số hãng thông tấn lớn trên thế giới chẳng hạn như CNN. Các chuyên gia WHO chia sẻ về tình hình triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 tại khu vực, kêu gọi tiếp cận bình đẳng với chăm sóc y tế cho mọi người dân.
Trong phần giao lưu với phóng viên quốc tế, TS.Takeshi Kasai, Giám đốc WHO khu vực đã trả lời phỏng vấn của báo Sức khỏe&Đời sống:
PV: WHO đánh giá thế nào về việc kiểm soát dịch COVID-19 tại Việt Nam, thưa ông?
TS.Takeshi Kasai: Việt Nam là tấm gương điển hình về ứng phó COVID-19 tại khu vực. Việt Nam đã đạt được thành tựu ấn tượng trong kiểm soát các ổ dịch và ngăn ngừa dịch từ sớm. Nhờ thế Việt Nam đã không để số ca nhiễm mới tăng mà không được kiểm soát. Ngoài ra, Việt Nam còn khống chế hiệu quả các ca biến thể của virus làm dịch bệnh không lây lan trong cộng đồng. WHO đã chứng kiến Việt Nam có bước đi và hành động đúng đắn, linh hoạt: khoanh vùng trúng đích nhưng quyết liệt. Một lần nữa, Việt Nam lại là minh chứng điển hình về phát hiện sớm và khoanh vùng trúng đích trong phòng chống dịch COVID-19.
WHO cũng ghi nhận Việt Nam truyền thông rất hiệu quả trong công tác phòng dịch. Việt Nam tiếp tục tuyên truyền vận động người dân áp dụng các biện pháp 5K phòng ngừa trong khi triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19.
PV: WHO nhận định thế nào về vắc-xin COVID-19 do Việt Nam sản xuất?
TS.Takeshi Kasai: Chúng tôi biết rằng hiện nay Việt Nam đang nỗ lực tự sản xuất vắc-xin phòng COVID-19. WHO hoan nghênh mọi nỗ lực trên bởi về cơ bản, thế giới hiện đang thiếu nguồn cung vắc-xin COVID-19. Vắc-xin cần phải an toàn và hiệu quả. Việt Nam có cơ quan quản lý chất lượng vắc-xin và áp dụng quy chuẩn vắc-xin toàn cầu để kiểm nghiệm chất lượng vắc-xin sản xuất trong nước. WHO đã ban hành quy chuẩn (Nghị định thư về tiêu chuẩn vắc-xin COVID-19) cũng như hướng dẫn về an toàn vắc-xin để giúp các quốc gia thành viên phát triển vắc-xin phòng COVID-19 mà hiện nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 của Mỹ đang áp dụng. WHO cũng khuyến khích Việt Nam áp dụng những quy chuẩn mà WHO đã ban hành nhằm đảm bảo vắc-xin an toàn và hiệu quả, đặc biệt là vắc-xin COVID-19 do Việt Nam sản xuất.
Tại họp báo, TS.Babatunde Olowokure, Giám đốc tình trạng khẩn cấp khu vực cho biết nhiều quốc gia ở Tây Thái Bình Dương đang triển khai tiêm phòng vắc-xin COVID-19. Việc tiêm phòng sẽ giúp làm giảm khả năng biến thể virus lây lan. Vắc-xin cũng giúp làm giảm tỷ lệ tử vong cũng như giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.
Theo TS.Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Chương trình kiểm soát bệnh tật WHO Tây Thái Bình Dương, dù các vắc-xin COVID-19 được đưa ra rất gấp nhưng vẫn tuân thủ theo các bước thử nghiệm và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. TS.Takeshi Kasai cho biết thêm hiện tại vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch COVID-19 trên toàn cầu. Bên cạnh đó, không thể lơ là các biện pháp 5K phòng dịch (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giãn cách xã hội,...). Trả lời câu hỏi phóng viên quốc tế về chuẩn bị ứng phó với các đại dịch tiếp theo trong tương lai, TS.Takeshi Kasai nhấn mạnh việc giải trình tự gene toàn bộ virus là nền tảng để ngăn chặn đại dịch tiếp theo.