Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương: "Việt Nam đạt những thành tựu y tế khá ấn tượng"

20-09-2016 12:33 | Quốc tế
google news

SKĐS - Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương - TS. Shin Young-soo nhận định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu y tế ấn tượng như đạt tất cả các MDGs, tuổi thọ trung bình khá cao (73) và BHYT toàn dân đạt 76%. Tuy nhiên để đối phó với các bệnh không lây và già hóa dân số, còn nhiều thách thức cần giải quyết ở phía trước.

Tại cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hệ thống y tế diễn ra ngày 19.9 tại trụ sở Bộ Y tế do Bộ trưởng Y tế Việt Nam PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương TS. Shin Young-Soo chủ trì, TS. Shin Young-soo đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống y tế và tư vấn chính sách cho Việt Nam về định hướng ưu tiên phát triển y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Thành tựu ấn tượng của ngành y tế Việt Nam thời gian qua

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu một số thành tựu nổi bật của nền y tế Việt Nam trong thời gian vừa qua như ngăn chặn các dịch bệnh nguy hiểm toàn cầu (Mers-CoV, Ebola,...) vào Việt Nam; giảm tải bệnh viện, ngân sách chi cho y tế cao hơn mức GDP; đạt 76,52% dân số tham gia BHYT; đổi mới phong cách thái độ phục vụ người bệnh; WHO công nhận đạt tiêu chuẩn cơ quan quản lý quốc gia về vắc-xin,... Việt Nam cũng đã phát triển một số kỹ thuật cao, kỹ thuật mới như tế bào gốc, phẫu thuật, ghép tạng đạt tiếng vang,...

phat trien he thong y te, Giam doc WHO Tay Thai Binh Duong chia se kinh nghiem phat trien he thong y te

Bộ trưởng Y tế PGS. Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương TS. Shin Young-Soo chủ trì cuộc họp chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống y tế

TS. Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cũng nhận định Việt Nam đã đạt được một số thành tựu y tế ấn tượng như đạt tuổi thọ trung bình cao (khoảng 73 tuổi); BHYT toàn dân đạt trên 76%. Việt Nam và Trung Quốc là hai nước đã đạt được tất cả các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs). Hệ thống y tế cơ sở là các trạm y tế xã là thế mạnh hệ thống y tế ban đầu để giúp Việt Nam chuyển dịch sang các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong giai đoạn mới trong mục tiêu củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng hệ thống bác sĩ gia đình để đối phó với thách thức già hóa dân số và các bệnh không lây nhiễm. So với mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam so với các nước phát triển, thì những chỉ số mà Việt Nam đạt được là khá ấn tượng.

Kinh nghiệm phát triển hệ thống y tế từ Hàn Quốc và một số quốc gia phát triển khác

Theo định hướng ưu tiên phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Y tế PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, một trong những mục tiêu của ngành y tế Việt Nam trong giai đoạn tới là nâng cao chất lượng đào tạo y tế, chất lượng chăm sóc y khoa và chất lượng bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để đối phó với tình trạng dân số già đi, hệ thống y tế tuyến cơ sở cần phải đảm nhận chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việt Nam đã có kế hoạch triển khai mô hình bác sĩ gia đình thí điểm tại 8 tỉnh, sang năm mở rộng ra các tỉnh, phấn đấu đến năm 2020, bao phủ 80% trên cả nước. Theo nguyên Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỹ và Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ gia đình, những chuyên gia tư vấn hàng đầu về triển khai mô hình bác sĩ gia đình cho Việt Nam, Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai hệ thống bác sĩ gia đình nhanh hơn các nước khác nhờ vào các trạm y tế xã.

Theo TS. Shin Young-soo, Việt Nam cần tiếp tục bao phủ BHYT toàn dân. Già hóa dân số và các bệnh không lây nhiễm sẽ trở thành gánh nặng bệnh tật đối với ngành y tế và xã hội trong thời gian tới, vì vậy mà đầu tư y tế cần dịch chuyển 100% chi phí cho các bệnh viện sang một tỷ lệ nhất định cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chẳng hạn như tại một số nước phát triển, 50% y tế chi phí được dành cho tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tăng cường y tế cơ sở gắn với y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ giúp phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm, tiết kiệm chi phí điều trị bệnh, tiết kiệm ngân sách và mở rộng BHYT toàn dân, đảm bảo công bằng trong chăm sóc và điều trị y tế.

Ông cũng chia sẻ An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối của mọi xã hội, bởi vậy ở Hàn Quốc có riêng một Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là một vấn đề nhạy cảm và gây nhức nhối cho dư luận ở nhiều quốc gia, trong đó có Hàn Quốc.

Chia sẻ thêm về mô hình đào tạo y tế tại Hàn Quốc, TS. Shin Young-soo cho biết, tại Hàn Quốc, sinh viên y khoa ra trường thường không được cấp phép hành nghề ngay mà phải ở lại học thêm để được Bộ Y tế Hàn Quốc cấp phép. Ở Hàn Quốc, giấy phép hành nghề không có giá trị cả đời, mà cấp phép 5 năm 1 lần. Hệ thống bảo hiểm có cơ chế chi trả cho thực hành y khoa giúp BSĐK, BSGĐ không cần nhất thiết phải làm việc tại bệnh viện mà có thể làm việc ở tuyến y tế cơ sở và trong cộng đồng. Theo ông, hợp tác công tư là xu thế tất yếu nhưng hết sức thận trọng để tránh chảy máu chất xám từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, dẫn tới bất bình đẳng trong điều trị.


Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn