Kể từ khi nhậm chức, TS.Takeshi Kasai đã đề ra “Sách Trắng” – tài liệu chia sẻ các đề xuất và ý tưởng trước khi các ý tưởng này trở thành chính sách. Sách Trắng đặt ra các ưu tiên trong hoạt động của WHO ở khu vực Tây Thái Bình Dương trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu là biến Tây Thái Bình Dương thành khu vực khỏe mạnh nhất và an toàn nhất. Ưu tiên tại khu vực là an ninh sức khỏe bao gồm cả kháng kháng sinh, các bệnh không lây nhiễm và già hóa dân số, biến đổi khí hậu và môi trường cùng các vấn đề sức khỏe khác.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng quà lưu niệm cho TS. Takeshi Kasai, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương. (Ảnh: Thu Phương)
Tại buổi tiếp, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cảm ơn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của ngành y tế Việt Nam. Bộ trưởng cũng hoan nghênh Sách Trắng mà TS.Takeshi Kasai đề ra chiến lược chung cho 37 nước thành viên Tây Thái Bình Dương triển khai với các ưu tiên, chuyển đổi cho các vùng miền. 37 nước thành viên có nền kinh tế, bối cảnh văn hóa xã hội và tình trạng biến đổi khí hậu khác nhau nên sẽ áp dụng chiến lược chung tùy theo tình hình cụ thể của mỗi nước.
Bộ trưởng cho biết Việt Nam hiện đang đổi mới chính sách y tế, hệ thống hóa nhằm bắt kịp chính sách chung của toàn cầu và khu vực. Trong quá trình này, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ nhiều từ WHO. Theo quan điểm toàn cầu và khu vực về chăm sóc sức khỏe ban đầu (primary healthcare) để phát triển bền vững, đến giai đoạn này các chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam hướng tới đổi mới trọng tâm nhằm vào phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCD). Trong đó quan trọng là tuyên truyền thay đổi lối sống, phát hiện và sàng lọc sớm bệnh tật, chẳng hạn như “nhớ số đo huyết áp”,… Để làm được điều này, cần có nguồn tài chính y tế bền vững.
Đoàn đại biểu WHO Tây Thái Bình Dương chụp ảnh lưu niệm cùng Bộ Y tế. (Ảnh: Thu Phương)
TS.Takeshi Kasai nhận định kế hoạch phát triển ngành y tế của Việt Nam toàn diện. Trong quá trình đổi mới y tế cần có nguồn tài chính y tế bền vững, khuyến khích phương hướng chia sẻ ngân sách. WHO sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ Việt Nam trong quá trình đổi mới y tế. Đồng thời, WHO hy vọng Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình về y tế toàn cầu (đáp ứng các tình huống khẩn cấp, dịch bệnh mới nổi,….) với các nước trong khu vực.
Bao phủ sức khỏe toàn dân: mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế theo nhu cầu, khi cần và với chi phí phải chăng. Bao phủ sức khỏe toàn dân là nền tảng để giải quyết những thách thức hiện tại và tương lai (như an ninh sức khỏe, bệnh mạn tính và già hóa dân số). Cách tiếp cận hệ thống là cách thức hiệu quả và công bằng nhất nhằm đạt mục tiêu này.
Sức khỏe không chỉ trong phạm vi ngành y tế: Để giải quyết những thách thức về sức khỏe cho tương lai, và góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chúng ta cần phải là người dẫn dắt về lĩnh vực sức khỏe, vượt ngoài phạm vi ngành y tế. Đôi khi chúng ta “nói cùng nhau” khi làm việc đa ngành nhưng chúng ta cần phải “hành động cùng nhau”.