Hà Nội

Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương hy vọng Việt Nam có thể trở thành hình mẫu ở khu vực

17-12-2019 08:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong chuyến thăm Việt Nam và cắt băng khánh thành Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương TS.Takeshi Kasai hy vọng Việt Nam có thể trở thành nước đi đầu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ông cho rằng đây là thời khắc lịch sử, nỗ lực của chúng ta giúp cho Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu ở Việt Nam trở thành một mô hình đáng học tập trong khu vực.

Tới thăm làm việc tại Bộ Y tế, TS. Takeshi Kasai- Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương chúc mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam đã vô địch SEA Games, đặc biệt dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo.

Hội đàm với Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương cho biết sự ra mắt của Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu (GHO) tại Việt Nam cũng như đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Việt Nam rất cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế xã hội đáng kể và thu nhập người dân ngày một tăng. GHO ra đời cũng để giúp Việt Nam đối mặt với già hóa dân số.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương Takeshi Kasai chụp ảnh lưu niệm

TS. Takeshi Kasai hy vọng Việt Nam có thể trở thành nước đi đầu trong chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), đổi mới mô hình CSSKBĐ, giúp trạm y tế xã có thể kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như Tăng huyết áp hay Đái tháo đường. Bệnh Tăng huyết áp không cần thiết phải lên bệnh viện TW, hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Việt Nam đã điều trị sốt xuất huyết (SXH) thành công, khống chế giảm tỷ lệ tử vong do SXH. Đây là kinh nghiệm hay để chia sẻ cho Philippines, nước đang có tỷ lệ tử vong cao do mắc SXH trong khu vực. Hoặc khống chế lao ở Việt Nam cũng là bài học thành công để nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường thế giới.

Tại buổi hội đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông báo với TS. Takeshi Kasai về Nhóm công tác kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe ban đầu đã ra đời. WHO và Bộ Y tế Việt Nam đã cùng thảo luận về chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như các hoạt động của Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu Việt Nam trong thời gian tới.

TS.Takeshi Kasai-Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn chụp ảnh chung cùng đại diện các vụ, cục Bộ Y tế và đoàn đại biểu WHO

Ở Việt Nam, Chính phủ rất chú trọng tới SKBĐ, tuy nhiên rất cần cơ chế để đưa BHYT vào chi trả cho CSSKBĐ, nên dự kiến sẽ vận động để đưa nội dung này vào luật BHYT sửa đổi. Đối mặt với già hóa dân số, trong đó có tiếp cận dựa trên long-term care (chăm sóc dài hạn) cho người cao tuổi. Có thể bổ sung gói BHYT bổ sung cho chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi kết hợp giữa nhà nước với tư nhân. Chăm sóc dài hạn dựa trên tiềm lực của gia đình và cả hỗ trợ xã hội nữa.

TS. Takeshi Kasai tại Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu Việt Nam

Nền y tế thông minh, y tế điện tử, cách mạng 4.0 sẽ trở thành xu thế tất yếu. Vì vậy mà Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kỹ thuật của WHO trong nền y tế thông minh. Theo xu thế này, chúng ta sẽ phải thay đổi mô hình dịch vụ của các trạm y tế xã, từ truyền thống (chỉ có tiêm chủng, chăm sóc bà mẹ và trẻ em,...) sang mô hình mới, chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép liên tục, định hướng y học gia đình.  Chuyên đề “Đổi mới hệ thống y tế” là trọng tâm y tế cơ sở với WHO, hiện nay đang thực hiện đổi mới gói dịch vụ y tế tại 26 trạm y tế xã điểm.

Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong năm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, Việt Nam mong muốn giới thiệu mô hình “Cô đỡ thôn bản cho đồng bào dân tộc thiểu số” để đề cao vai trò của hộ sinh, điều dưỡng đồng thời nhân rộng mô hình ở ASEAN.


Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ghi lưu bút tại Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu

Trong tương lai, Việt Nam sẽ chuyển quản lý bệnh mạn tính từ tuyến trên về trạm y tế xã. Hiện nay, 2 bệnh phổ biến nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường, vì vậy, có thể giúp cán bộ tuyến xã quản lý những bệnh này. Ngoài ra, một số vấn đề liên quan tới bệnh truyền nhiễm cũng đặt ra những thách thức, chẳng hạn như cần tiếp tục đưa quản lý viêm gan vào dự án mục tiêu, vì gánh nặng viêm gan đối với cộng đồng hiện nay vẫn còn lớn.

TS. Takeshi Kasai-Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn-Thứ trưởng Bộ Y tế đã cùng tham gia cắt băng khánh thành Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu.

TS. Takeshi Kasai-Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương, TS.Kidong Park- Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam chụp ảnh tại Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu

Thứ trưởng cho biết thế giới đang phát triển rất nhanh chóng, thông qua đường hàng không, đường tàu thủy có thể tạo ra các đại dịch xuyên biên giới, nhiều bệnh dịch có thể lan truyền qua các quốc gia, tạo ra bệnh dịch toàn cầu. Vì vậy các chương trình sức khỏe toàn cầu đưa ra đòi hỏi có sự chia sẻ giữa các quốc gia với nhau. Trong bối cảnh đó, Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu nhằm chia sẻ kinh nghiệm không chỉ quan trọng với Việt Nam mà còn với các quốc gia trên thế giới.

Còn TS. Takeshi Kasai cho biết thế giới kết nối nhiều hơn chúng ta tưởng, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương hy vọng Văn phòng Sức khỏe Toàn cầu sẽ trở thành mô hình cho khu vực.



Nguyễn Vân
Ý kiến của bạn