Theo thống kê của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng nghìn ca ghép tạng. Riêng tại Bệnh viện Việt Đức, thời gian qua đã tiến hành 590 ca ghép thận, 53 ca ghép gan và 19 trường hợp ghép tim. So với nhu cầu của người bệnh, thì những ca ghép tạng còn rất khiêm tốn, xuất hiện nhiều rào cản trong việc vận động người dân tự nguyện hiến tạng.
Nhiều người còn băn khoăn về tính minh bạch trong lựa chọn người được ghép tạng hay việc đánh giá một người bị chết não có đảm bảo tính chính xác….. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với . PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về vấn đề này.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Phóng viên: Thưa ông, mỗi ngày tại Bệnh viện Việt Đức có 5-6 người chết não, cá biệt có ngày con số này lên tới 10 người nhưng số trường hợp đồng ý hiến tặng nội tạng mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xin ông cho biết, nhu cầu ghép tạng hiện nay tại Bệnh viện Việt Đức như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa: Nhu cầu ghép tạng rất lớn. Hiện con số chờ được ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức lên đến hàng trăm người. Đa số thời gian chờ đợi để có nguồn tạng hiến người bệnh phải chờ rất lâu, có bệnh nhân bệnh nặng không thể chờ được ghép tạng và đã qua đời. Nếu không có nguồn tạng từ người cho chết não, phần lớn bệnh nhân trông chờ vào nguồn tạng do người nhà hiến tặng. Tại BV Việt Đức, số ca ghép thận từ người cho chết não chỉ chiếm khoảng 13%, còn lại từ nguồn tạng là người hiến sống. Nhưng với tạng là gan dù lượng người chờ đợi ghép ít hơn, khoảng vài chục trường hợp, chúng tôi luôn mong muốn được ghép gan toàn bộ từ người cho chết não vì nhiều ưu điểm trong kỹ thuật ghép, giúp bệnh nhân hồi phục được nhanh chóng, do vậy tỷ lệ ghép gan từ người cho chết não lên đến 80%. Mỗi ngày ở bệnh viện Việt Đức có 5-10 trường hợp chết não nhưng hầu như không có trường hợp nào đồng ý hiến tạng. Từ đầu năm đến nay có hơn 10 trường hợp chờ ghép tim, nhưng sau đó chúng tôi chỉ ghép được cho 4 trường hợp, một số các trường hợp không chờ được tử vong rất đáng tiếc.
Phóng viên: Một trong những băn khoăn của người dân hoặc người nhà bệnh nhân chết não khi có nhu cầu đăng ký hiến tạng là tính minh bạch trong việc phân phối tạng ghép. Những đối tượng thế nào được ưu tiên nhận nguồn tạng hiến?
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa: Theo quy định , đối với người hiến chết não sau khi được người nhà hoặc bản thân người đó có nguyện vọng hiến tạng sau khi chết não, cần phải tuân thủ nhiều điều kiện trước khi tiến hành lấy tạng. Đó là quy trình đánh giá nghiêm ngặt bao gồm : phải xác định chính xác người đó có thực sự chết não hay không, thứ 2 là phải đánh giá các tạng đó có đủ điều kiện để ghép hay không. Ví dụ như bệnh nhân bị một bệnh nhiễm trùng (như lao, HIV, nhiễm nấm…), bị bệnh ác tính (ung thư)… thì không thể lấy tạng được. Đối với người nhận tạng, chúng tôi có một danh sách chờ, hàng tuần được cập nhật cho Giám đốc bệnh viện. Danh sách đó bao gồm tên tuổi, nhóm máu, tình trạng bệnh. Với những bệnh nhân nặng sẽ được ưu tiên hơn, nếu cùng mức điểm bệnh nặng, nhưng bệnh nhân nào đăng ký trước sẽ được ưu tiên ghép trước. Hay như trường hợp người hiến nhóm máu O, người nhận tạng có thể là bất cứ nhóm máu nào, nhưng mức độ ưu tiên với người cùng nhóm máu sẽ cao hơn.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa hỏi thăm sức khỏe một bệnh nhân vừa được ghép gan từ người cho chết não
Phóng viên: Thưa bác sĩ, nhiều người lo ngại về việc xác định thế nào là một người chết não, liệu chết não có thể cứu sống được không? Quy trình xác định một người chết não được xác định thế nào tại bệnh viện?
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa: Với quy trình xác định chết não, các bác sĩ gây mê, hồi sức , nội thần kinh, chẩn đoán hình ảnh theo dõi bệnh nhân trong vòng 12-18 tiếng và sẽ đi đến kết luận người bệnh chết não. Sau đó hồ sơ bệnh nhân sẽ được đưa lên hội đồng là các chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực hồi sức, gây mê, nội thần kinh, giải phẫu bệnh pháp y, luật, tổng hợp…. , hội đồng này gồm 11 người độc lập, không liên quan tới việc hồi sức bệnh nhân, lấy tạng và ghép tạng, …. Sau đó, hội đồng này sẽ họp quyết định xem bệnh nhân có đủ tiêu chuẩn kết luận chết não hay không, nếu đủ họ sẽ làm một biên bản trình giám đốc bệnh viện. Giám đốc sẽ ký quyết định bệnh nhân đủ tiêu chuẩn chết não. Đây là một quy trình đánh giá độc lập, khoa học để đi đến kết luận cuối cùng. Không thể có một sự nhầm lẫn nào giữa việc xác định chết não hay vẫn có thể hồi sức cấp cứu.
Phóng viên: Thưa ông, hiện nay Bệnh viện Việt Đức đã làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực ghép tạng, trung tâm ghép tạng còn gặp khó khăn nào?
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa: Tại Bv Việt Đức đã chủ động được hầu hết các kỹ thuật ghép tạng và đã làm thường quy . Tuy nhiên hiện nay, có một số khó khăn là bệnh nhân ngày càng nặng. Trước đây, bệnh nhân nhập viện thường có sức khỏe tạm ổn, nhưng thời gian gần đây, bệnh nhân đến với chúng tôi hầu hết đều rất nặng, nhiều người đã rơi vào hôn mê. Thứ 2 là nhu cầu được ghép tạng ngày càng nhiều, nguồn tạng ngày càng khan hiếm. Nếu bệnh nhân chờ để được ghép thận chúng tôi có thể chạy thận kéo dài thời gian hoặc lấy từ người hiến sống, nhưng với ghép gan và tim rất khó, bắt buộc phải chờ người hiến chết não. Đó là các khó khăn, người hiến không đủ cho người nhận.
Phóng viên: Ông có lời khuyên nào cho những người mắc bệnh mạn tính hoặc phải chung sống lâu dài với các căn bệnh hiểm nghèo?
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa: Bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, nên nghĩ đến ghép tạng nếu có chỉ định. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt. Nếu thấy bệnh có diễn biến bất lợi và có khả năng phải ghép tạng thì nên đăng ký sớm để chúng tôi cho vào danh sách theo dõi. Khi có người chết não phù hợp, chúng tôi sẽ gọi. Tránh một số trường hợp quá nặng mới đến với chúng tôi, rất khó để đợi có nguồn tạng phù hợp.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.