PV: Thời gian qua có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ bộ xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
TS Nguyễn Hồng Chương: Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng cao sau dịch, và có những vướng mắc trong thủ tục đấu thầu mua sắm đã gây ra tình trạng thiếu cục bộ hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế trong hệ thống y tế công lập.
Có tình trạng thiếu cục bộ một vài loại thuốc có thể xảy ra do các đơn vị đã mua hết số lượng thuốc trúng thầu, hoặc do đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu nên nhà thầu không cung cấp đủ thuốc. Việc này thường xảy ra nhiều vào cuối của kỳ thầu.
Bên cạnh đó, thuốc cung ứng cho công tác điều trị được mua sắm thông qua đấu thầu nên các thuốc trúng thầu của năm trước có cùng hoạt chất, nồng độ hàm lượng, dạng bào chế, nhóm kỹ thuật nhưng khác tên thương mại, khác nhà sản xuất của năm sau, người bệnh nhất là người bệnh mãn tính có tâm lý quen sử dụng thuốc có tên thương mại theo kết quả trúng thầu của năm trước không muốn sử dụng thuốc có tên thương mại mới gây nên tình trạng thiếu thuốc ảo, việc này đòi hỏi nên nhân y tế phải tốn nhiều thời gian giải thích, tư vấn cho người bệnh.
Hàng năm, các cơ sở y tế phải tổ chức đấu thầu vật tư – sinh phẩm y tế thời gian tổ chức và lựa chọn nhà thầu thường khoảng 4 – 6 tháng. Thời gian đấu thầu kéo dài, cùng nhiều yếu tố khách quan và cả chủ quan nên có thời điểm thiếu vật tư y tế như người dân đã phản ánh.
PV: Trước thực trạng trên, được biết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Dương đã vào cuộc rất sớm nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế?
TS Nguyễn Hồng Chương: Đúng như vậy, ngành Y tế Bình Dương luôn nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền trong tỉnh. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND ngày 26/7/2023 và Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND ngày 1/11/2023, đẩy mạnh phân cấp tài chính, giao giám đốc các đơn vị chủ động trong công tác mua sắm (thẩm quyền quyết định mua sắm của các đơn vị sự nghiệp y tế từ 2-5 tỉ đồng, vượt trên mốc này thì thẩm quyền mới thuộc Sở Y tế).
Song song đó, Sở Y tế đã đẩy mạnh việc xây dựng các hướng dẫn lập kế hoạch, thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tổ chức nhiều buổi tập huấn về công tác mua sắm đấu thầu cho nhân viên làm công tác mua sắm của các đơn vị.
Nếu còn xảy ra việc thiếu thuốc ở một số đơn vị trong hệ thống y tế công lập, Sở Y tế (đơn vị mua thuốc tập trung địa phương) sẽ tiến hành điều tiết thuốc giữa các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, cũng như xin điều tiết thuốc từ các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc thông qua Trung tâm mua sắm thuốc Quốc gia. Chỉ đạo các cơ sở tự tổ chức đấu thầu mua sắm các thuốc thiếu thuốc trong giai đoạn Sở Y tế chuẩn bị đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua thuốc hoạt chất gốc (generic) năm 2024-2026, để đến tháng 4/2024 triển khai đấu thầu mua sắm thuốc .
Về thuốc Y học cổ truyền: Gói thuốc thành phẩm đang tiến hành chấm thầu, dự kiến cuối tháng 12/2023 sẽ có kết quả thầu.
- Gói vị thuốc: Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở tự tổ chức đấu thầu mua sắm các thuốc thiếu thuốc trong giai đoạn Sở Y tế chuẩn bị đấu thầu tập trung cấp địa phương.
Đến quý III năm 2023, về cơ bản các đơn vị y tế đã xây dựng được gói thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, đang giai đoạn mời thầu.
Với BVĐK tỉnh Bình Dương, Sở Y tế đã phối hợp cùng bệnh viện tích cực tập trung xây dựng gói thầu vật tư y tế thông thường cho bệnh viện năm 2023-2024. Hiện tại gói thầu mua hóa chất xét nghiệm tổng giá trị 56 tỉ sắp xong, dự kiến đầu tháng 12/2023 sẽ có hóa chất.
Sở Y tế đã có thống nhất chủ trương mua sắm vật tư y tế thông thường cho BVĐK tỉnh Bình Dương năm 2023-2024, với tổng giá trị trên 40 tỉ đồng. BVĐK tỉnh đang thực hiện các bước tiếp theo và mời thầu trong quý IV năm 2023.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!