Thông tin tại họp báo, Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP đã phối hợp với Sở Công thương điều chỉnh cách thức hoạt động của 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức).
Toàn cảnh họp báo chiều ngày 7/7 (ảnh: HMC)
Theo đó, trong quá trình cung ứng hàng hóa cho các chợ truyền thống và các điểm bán lẻ trên địa bàn TP, các thương nhân, thương lái thay vì trao đổi, mua bán hàng hóa trực tiếp sẽ chuyển sang giao dịch qua thương mại điện tử, điện thoại.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng đã làm việc với các chuỗi cung ứng, hệ thống doanh nghiệp để gia tăng hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho người dân, thông qua các kênh mua bán hiện đại.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, trên địa bàn Thành phố có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích, 28.700 cửa hàng bách hóa bán thực phẩm phục vụ cho người dân TP Thủ Đức và các quận - huyện. Lượng hàng dự trữ của doanh nghiệp bình ổn, lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động tại 3 chợ đầu mối vẫn về TP.HCM với khối lượng tương đối dồi dào.
Trước tình trạng người dân đổ xô tích trữ hàng hóa trong những ngày qua, Sở Công Thương cho rằng, việc tập trung lượng người mua sắm tại cùng một thời điểm đã tạo nên sự thiếu hụt nhất định. Vì vậy, Sở đã làm việc với các chuỗi cung ứng để kịp thời tăng nguồn hàng, tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng. TP Thủ Đức và các quận - huyện cũng phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông mở các kênh bán hàng trực tuyến, đi chợ thay cho người lớn tuổi,…
Giám đốc Sở Công Thương Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, với nguồn cung ứng dồi dào và các kênh phân phối đa dạng, người dân không nên lo lắng về việc thiếu hụt lương thực trong tất cả các tình huống.