Chia sẻ với báo chí nhân Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (sẽ diễn ra từ 25- 31/5), PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay, hút thuốc lá làm lây truyền nguy cơ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Cụ thể, hút thuốc lá gây hại đến phổi, làm suy yếu chức năng phổi, làm giảm khả năng đáp ứng của cơ thể với các bệnh nhiễm trùng và ức chế miễn dịch. Hút thuốc làm tê liệt và thậm chí giết chết các nhung mao trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc đặc biệt nhạy cảm với COVID -19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho hay, hút thuốc lá làm lây truyền nguy cơ nhiễm COVID-19 trong cộng đồng
Tổ chức Y tế thế giới cũng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền virust SARS-CoV-2 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: Thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lan truyền virus trong cộng đồng.
Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Hơn 7 triệu ca tử vong này là do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu là do những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Hút thuốc lá là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp. Theo đánh giá của Hội đồng Các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/ 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công phổi. Hút thuốc lá làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại vi rút corona và các bệnh khác. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường, khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi bị nhiễm COVID-19. Những nghiên cứu đã công bố cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao hơn khi mắc COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới liên tục đánh giá các nghiên cứu mới, bao gồm nghiên cứu kiểm tra mối liên hệ giữa sử dụng thuốc lá, sử dụng nicotin và COVID-19. Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học và các phương tiện truyền thông thận trọng về việc khuếch đại các tuyên bố chưa được chứng minh rằng thuốc lá hoặc nicotin có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19. Hiện tại không đủ thông tin để xác nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa thuốc lá hoặc nicotine trong phòng ngừa hoặc điều trị COVID-19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: Từ bỏ thuốc lá có lợi ích không chỉ với sức khỏe của phổi mà còn giúp giảm nguy cơ lây nhiễm COVID -19
PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”.
Theo điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của nước ta vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là các sản phẩm thuốc lá mới, đang được quảng cáo là sản phẩm thay thế ít tác hại hơn so với thuốc lá thông thường. Các sản phẩm mới này cho thêm các phụ gia có hại cho sức khoẻ rất khó kiểm soát, nhất là đối với thế hệ trẻ.
"Do đó, tại nước ta không nên cho phép thí điểm bất cứ loại thuốc lá mới nào", bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá nói.