Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Mong muốn đem những tinh hoa của y học cổ truyền đến với nhân dân

06-03-2017 10:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có công văn gửi Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam về cung cấp đất cho Dự án mở rộng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam...

Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có công văn gửi Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam về cung cấp đất cho Dự án mở rộng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tại Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên. Việc xây dựng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cơ sở 2 ở quê hương của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác có ý nghĩa lớn đối với ngành y tế Hưng Yên nói riêng và ngành y tế cả nước nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực y học cổ truyền. Xung quanh vấn đề này, phóng viên có buổi trò chuyện cùng TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.TS. Đậu Xuân Cảnh Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Học viện.

TS. Đậu Xuân Cảnh Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Học viện.

PV: Được biết, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam sắp có cơ sở 2 tại tỉnh Hưng Yên với quy mô khá lớn, với vai trò của người đứng đầu học viện, ông có cảm nghĩ thế nào?

TS. Đậu Xuân Cảnh: Vâng, đây có thể nói là một tin vui với Học viện nói riêng và những người công tác trong lĩnh vực y học cổ truyền nói chung. Đặc biệt, nhân dịp Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có kế hoạch về Hưng Yên dâng hương nhân kỷ niệm 226 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, trước khi đến làm lễ  Bộ trưởng có đến Hưng Yên thăm khu đất mà tỉnh Hưng Yên đã cấp cho Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam để xây dựng mở rộng Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam tại Hưng Yên. Điều này là sự quan tâm rất lớn của Bộ trưởng Bộ Y tế về phát triển của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nói riêng và Y học cổ truyền Việt Nam nói chung. Chúng tôi cũng nhận thức được sâu sắc rằng Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng cũng như UBND tỉnh Hưng Yên đã dành sự quan tâm đặc biệt cho Học viện để xây dựng cơ sở 2 với quy mô gần 70ha. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu đào tạo cho khoảng 8 nghìn sinh viên y, dược, học viên sau đại học; 6 nghìn sinh viên các ngành khác liên quan đến hoạt động và quản trị y dược cổ truyền gắn với y học hiện đại. Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc để dự án được triển khai sớm nhất và sớm đi vào sử dụng để phục vụ cho chương trình đào tạo phát triển nhân lực của Bộ Y tế và chỉ đạo của Bộ trưởng theo chương trình phát triển y học cổ truyền của Chính phủ.

PV: Vậy, có thể hình dung quy mô xây dựng trong tương lai cũng như hướng phát triển của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam cơ sở 2 thế nào, thưa ông?

TS. Đậu Xuân Cảnh: Với không gian là 70 ha, chúng tôi dự kiến xây 3 đơn nguyên chính, trong đó:

Đơn nguyên 1 là giảng đường, nhà hiệu bộ, thư viện phục vụ cho công tác đào tạo trong đó có cả phòng thí nghiệm.

Đơn nguyên 2 là một BVĐK kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại  để làm cơ sở thực hành cho sinh viên của chúng tôi trong quá trình học tập.

Đơn nguyên 3 là viện nghiên cứu, trong đó, chúng tôi chú trọng đến nghiên cứu sản xuất thuốc từ dược liệu và thuốc y học cổ truyền. Như bạn đã biết, đất nước ta với 70% diện tích là đồi núi và khoảng 70% dân số làm nông nghiệp, chúng ta có hơn 12.000 thực vật có thể làm thuốc được, cộng với khí hậu gió mùa. Đây là một điều kiện rất tốt để phát triển thuốc y học cổ truyền. Thế nhưng, đến giờ phút này số thuốc mà y học cổ truyền xuất khẩu ra nước ngoài cũng như thuốc cổ truyền để phục vụ công tác chăm sóc bảo sức khỏe nhân dân chúng ta chưa nhiều. Theo đó, chúng tôi tự ý thức được mình phải thực hiện thật tốt công việc nghiên cứu và sản xuất thật tốt thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền  phục vụ cho công cuộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như phát triển kinh tế từ dược liệu. Chúng tôi mong muốn phát huy những thế mạnh, tinh hoa của y học cổ truyền để phục vụ sức khỏe nhân dân. Theo đó, với cơ sở mới, chúng tôi cũng sẽ có điều kiện hợp tác với các nước để sản xuất 3 nhóm sản phẩm: Đó là nhóm về thuốc để phục vụ công tác chữa bệnh, nhóm 2 là sản phẩm phục vụ trong làm đẹp và nhóm 3 là các sản phẩm dinh dưỡng có nguồn gốc từ dược liệu giúp đối tượng đang nằm viện đảm bảo calo năng lượng khi nằm trong bệnh viện... Ngoài ra, trong định hướng phát triển của cơ sở 2, chúng tôi còn có hạ tầng kỹ thuật như nhà thi đấu, nhà thể thao, ký túc xá, căng tin, khách sạn cho sinh viên để sinh viên có điều kiện ăn ở và học tập tốt hơn.Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm khu đất xây dựng cơ sở 2 của học viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm khu đất xây dựng cơ sở 2 của học viện.

PV: Chúng tôi được biết vừa rồi hai trường Đại học top đầu của Trung Quốc về Trung y dược là Đại học Trung y dược Thiên Tân và Đại học Thành Đô phong tặng ông làm Giáo sư danh dự. Ông có thể chia sẻ cho độc giả báo SK&ĐS biết lý do tại sao họ lại phong tặng danh hiệu cao quý này cho ông?

TS. Đậu Xuân Cảnh: Vâng, đúng là vừa qua ở Việt Nam có tôi và TS. Đoàn Quang Huy được phía đại học Trung Quốc phong tặng giáo sư danh dự. Có thể nói, đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm của chúng tôi với sự phát triển của Học viện Y Dược học cổ truyền nói riêng và nền y học cổ truyền nước nhà. Có rất nhiều hồ sơ từ các nước gửi về. Để phong tặng danh hiệu này, phía Trung Quốc xem xét dựa vào rất nhiều yếu tố như là quá trình xây dựng của trường chúng tôi. Thứ 2 họ xem xét từng ứng cử viên và vai trò của cá nhân trong quá trình đóng góp cũng như quá trình tham gia vào sự phát triển của ngành y học cổ truyền Việt Nam, thứ 3 là xem xét về cá nhân, vai trò của cá nhân trong sự thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai trường đại học với nhau.

PV: Xin chúc mừng ông và trân trọng cảm ơn ông!


Khanh Quỳnh (Thực hiện)
Ý kiến của bạn