TS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh với phóng viên Báo Sức khoẻ & Đời sống như vậy về việc Bộ Y tế đang khẩn trương, nhanh chóng thiết lập các trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 trên địa bàn.
PV: Xin ông thông tin về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, rất nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh?
TS. BS Nguyễn Tri Thức: Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh được thiết lập trên diện tích một phần cơ sở 2 của BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, (phường Tân Phú, TP.Thủ Đức), có quy mô 1.000 giường bệnh hồi sức.
Chúng tôi tiếp nhận và đưa vào hoạt động bệnh viện này từ ngày 16/7, hiện số bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là 500 giường (đáp ứng mục tiêu chuyên môn của giai đoạn 1)
Trong những ngày qua, tập thể các chuyên gia, y bác sĩ đang nỗ lực, cố gắng làm việc với tinh thần quyết tâm cao nhất để hồi sức cho người bệnh.
Tính đến tối 1/8, Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận điều trị 750 bệnh nhân nặng và nguy kịch.
Đến thời điểm này, qua quá trình điều trị đã có khoảng 20% bệnh nhân chuyển từ tình trạng rất nặng, nặng chuyển xuống điều trị ở tầng nhẹ hơn và có một số ít trong đó đã xuất viện (31 trường hợp ra viện tính đến tối 1/8).
Theo số liệu cập nhật tối 1/8, bệnh viện đang điều trị 440 bệnh nhân, có 170 bệnh nhân phải thở máy, chạy ECMO và lọc máu liên tục. Số còn lại là bệnh nhân đang thở máy và chuyển tình trạng bệnh sang mức độ vừa.
Xin ông cho biết lộ trình mở rộng số giường tiếp theo của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh?
Theo đánh giá của cá nhân tôi, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thiết lập để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng của Thành phố mang tính chất rất kịp thời.
Đến nay, với các trang thiết bị hiện có đã tương đối đáp ứng giai đoạn đầu tiếp nhận 500 bệnh nhân nặng và rất nặng. Chúng tôi đã nỗ lực điều trị cho người bệnh để có kết quả như đã nói ở trên.
Hiện nay đội ngũ chuyên gia đã và đang thiết lập thêm, nâng cấp các đầu nối của hệ thống oxy theo hình thức "cuốn chiếu", làm xong khoa phòng nào sẽ đón bệnh nhân vào khoa phòng đó luôn.
Theo kế hoạch, Bệnh viện sẽ mở rộng số giường điều trị dần lên đến 700 trong những ngày tới (giai đoạn 2) khi được tăng cường thêm trang thiết bị và nhân lực.
Sau đó, Bệnh viện tiếp tục hoàn chỉnh giai đoạn 3 đển nâng số giường đáp ứng quy mô 1.000 giường bệnh điều trị.
Sở dĩ chúng tôi phải thiết lập giường điều trị theo phương án nâng dần vì cơ sở vật chất mà Bệnh viện tiếp nhận của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là 1.000 giường bệnh bình thường chứ không phải là 1.000 giường bệnh hồi sức (1 giường bệnh hồi sức phải có nhiều trang thiết bị đi kèm).
Là người trực tiếp điều hành, tham gia vào quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng, theo ông việc Bộ Y tế thiết lập thêm 4 trung tâm hồi sức tích cực của Bộ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò như thế nào trong công tác điều trị bệnh nhân của thành phố?
Lượng bệnh nhân COVID-19 của Thành phố trong những ngày qua vẫn gia tăng, với dự đoán khoảng 5-7% trong số bệnh nhân COVID-19 sẽ chuyển nặng và nguy kịch.
Do đó, tôi cho rằng việc Bộ Y tế thiết lập khẩn cấp thêm 4 trung tâm hồi sức tích cực do các bệnh viện hạng đặc biệt điều hành tại TP Hồ Chí Minh, đưa giám đốc các bệnh viện đầu ngành cùng hàng trăm chuyên gia, y, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế và trang thiết bị, vật tư tiêu hao vào đây phục vụ công tác điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng là thiết thực và kịp thời.
Điều này sẽ mang lại hiệu quả điều trị rất tốt để giảm tối đa số trường hợp tử vong vì COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Đồng thời cũng tạo nên tâm lý an tâm cho người dân, khi xảy ra đại dịch ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân dân thì luôn luôn có Đảng, Chính phủ, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là ngành y tế quan tâm, chăm lo.
Cả nước đang hướng về TP Hồ Chí Minh để đồng hành cùng Thành phố trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Xin trân trọng cảm ơn ông!