Trước đó, chiều 9/4, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, sau khi nghe phản ánh từ phía người dân và báo chí, Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu BV ĐKKV Thủ Đức tạm dừng việc thu phí nuôi bệnh, 30.000đồng/ngày - đêm, chờ các văn bản hướng dẫn lại.
Nhiều bệnh viện đưa ra quy định “một người bệnh kèm một thân nhân chăm bệnh”. Ảnh minh họa
Nhiều bệnh viện đưa ra quy định “một người bệnh kèm một thân nhân chăm bệnh”. Nhưng thực trạng, không ít nơi, một bệnh nhân nhập viện điều trị, cả gia đình cùng kéo nhau vào viện kèm theo đó là các vấn đề về an ninh, trật tự… Người chăm bệnh ở bệnh viện đôi khi sinh hoạt như ở trọ, thoải mái dùng điện, nước, tắm giặt, nấu nước, nhà vệ sinh, sử dụng thang máy… và không tiết kiệm, giữ vệ sinh chung.
Chi phí điện nước, chí phí xử lý nước thải rác thải, chống nhiễm khuẩn, chi phí điều hành và vận hành bệnh viện, công tác bảo vệ… hiện là gánh nặng của phần lớn bệnh viện công. Trước đây nhiều hội nghị về quản lý bệnh viện cũng thường xuyên đặt ra vấn đề này.
Một hai năm gần đây, các bệnh viện công lập đều đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính toàn phần hoặc một phần nhưng đơn giá trong khám chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế cho đến nay đối với hoạt động bệnh viện công lập vẫn chưa đủ. Đối với vấn đề tự chủ tài chính trong quản lý bệnh viện, một khoản thu như vậy là hoàn toàn hợp lý.
Không ít nơi, một bệnh nhân nhập viện điều trị, cả gia đình cùng kéo nhau vào viện để chăm nuôi. Ảnh minh họa
BS. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, khẳng định, từ trước đến nay, bệnh viện không thu tiền người chăm nuôi bệnh.
Tuy nhiên, ông đã chia sẻ quan điểm riêng của mình, “Chúng ta đang có lộ trình tính đúng, tính đủ; nhưng thực tế, các bệnh viện công lập hiện nay vẫn chưa tính đúng tính đủ. Chẳng hạn như việc kiểm soát nhiễm khuẩn, từ việc đơn giản nhất là vệ sinh môi trường cho đến kiểm soát nhiễm khuẩn phòng mổ; nhưng trong đơn giá của bệnh viện đưa vào khung giá khám chữa bệnh chưa có chi phí dành cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Nhưng các đoàn kiểm tra môi trường, đánh giá chất lượng bệnh viện, rất khắt khe, đòi hỏi bệnh viện phải đạt được tiêu chuẩn này.
Chúng ta cần thuyết minh hoặc thông báo hướng dẫn rõ ràng, minh bạch với người bệnh và thân nhân. Có lẽ, tại BV ĐKKV Thủ Đức, bệnh nhân chưa được thông tin giải thích nên dẫn đến những thắc mắc và phản ứng như vậy. Tài chính trong bệnh viện công lập không giống như một bệnh viện tư, tất cả đều theo quy định của Bộ Y tế. Các khoản thu đều rõ ràng rành mạch.”
Tự chủ nhưng bệnh viện công lập vẫn nhiều ràng buộc
Điều đó thể hiện rất rõ đối với khoa Dược. Theo BS. Võ Đức Chiến, toàn bộ khoa Dược của bệnh viện hiện làm việc không có lợi nhuận. Thuốc ở các cửa hàng bán lẻ có thể được phép tăng 5 - 10%.
“Thuốc từ khoa Dược của bệnh viện được bảo quản trong bệnh viện, có tỷ lệ hư hỏng, thất thoát. Bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Thuốc đến hơn 1000 bệnh nhân nội trú và hơn 2000 - 2500 bệnh nhân ngoại trú đều theo đúng giá đấu thầu, công khai,” BS. Chiến nói.
Bệnh viện công lập còn đang phải gánh thêm một “gánh nặng” trong trách nhiệm đối với công tác đào tạo khi tiếp nhận hàng ngàn sinh viên trường y, khoa y đến thực tập. Nhưng hợp đồng đào tạo với chi phí đôi, ba chục triệu đồng vẫn chỉ đang mang tính ước lệ, trong khi chi phí vệ sinh, dung dịch rửa tay… bệnh viện vẫn đang phải chi trả một khoản không nhỏ, khoảng 7 - 8 tỷ đồng/năm. Nhiều nơi có thể tế nhị ghi một khoản chi phí dành cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.
Bản thân BS. Võ Đức Chiến vẫn ủng hộ việc thu thêm một cách hợp lý trên lộ trình tính đúng, tính đủ khi bệnh viện được giao quyền tự chủ tài chính hoàn toàn. Ông hy vọng Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan xây dựng một hành lang pháp lý cho các bệnh viện công để thực hiện tự chủ một cách tự tin và an toàn hơn.