Hà Nội

Giám đốc BV Chợ Rẫy: Thành công của ca bệnh 91 là nhờ huy động trí tuệ ngành y thông qua nền tảng Telehealth

28-09-2020 11:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Kỳ tích trong việc điều trị bệnh nhân số 91 nhiễm virus SARS-CoV-2 có được là nhờ quy tụ được trí tuệ của những “bộ óc lớn” ngành y thông qua nền tảng Viettel Telehealth. Tuy nhiên, theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tác động của hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa còn lớn hơn thế rất nhiều.


Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam. Nhớ lại thời điểm đó, ấn tượng của ông thế nào? Bệnh viện Chợ Rẫy đã đối diện với những khó khăn gì khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm loại virus lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới?

BS Nguyễn Tri Thức: Tôi nhớ, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 2 bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 28 Tết. Trước đó, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống SARS-CoV-2, từ công tác dự phòng, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn… nên trước khi nghỉ Tết, chúng tôi cũng có nhiều đợt diễn tập và có triển khai nhiều biện pháp phòng dịch theo đúng tinh thần của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trong tâm lý lúc đó, các bác sĩ vẫn nghĩ dịch còn ở rất xa, không ai nghĩ dịch đến Việt Nam nhanh như vậy. Nhưng các nhân viên y tế của bệnh viện đã có tinh thần cảnh giác rất cao và tiến hành các biện pháp phòng dịch ngay từ đầu.

Cái khó ở thời điểm đó là nhận thức của người dân và người bệnh về Covid-19 chưa nhiều, chúng tôi gặp khó khăn nhất là trong việc thuyết phục bệnh nhân cách ly.

Trong 2 cha con người Trung Quốc, ngoài người cha bị suy hô hấp phải vào cấp cứu, còn lại người con lúc đó mới có triệu chứng sốt và đã tự uống thuốc hạ sốt. Khi chúng tôi thuyết phục bệnh nhân vào cách ly, anh ta phản ứng tương đối quyết liệt, phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ giải thích, thuyết phục, bệnh nhân này mới đồng ý cách ly y tế.

Sau khi tiến hành cách ly đúng quy trình và đảm bảo các quy định an toàn về kiểm soát nhiễm khuẩn và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, chúng tôi giật mình. Nếu lúc đó không kiên quyết để bệnh nhân này đi về, hậu quả sẽ không thể nào tưởng tượng được. Đó là ấn tượng của tôi với 2 trường hợp đầu tiên.

Trong 2 bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên, một người có bệnh nền và đã có những thời khắc rơi vào nguy kịch. Việc điều trị cho bệnh nhân có gặp khó khăn không, thưa ông? Thời điểm đó đã có hội chẩn toàn quốc như các ca bệnh Covid-19 sau này chưa?

BS Nguyễn Tri Thức: Thời điểm điều trị cho 2 bệnh nhân Trung Quốc, chúng tôi báo cáo tình trạng bệnh nhân cho Bộ Y tế 2 lần/ngày. Việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cần xin ý kiến Bộ Y tế liên tục cũng như cần có sự phối hợp chặt chẽ với viện Pasteur, vì thế chúng tôi có tổ chức hội chẩn trực tuyến nhưng chỉ có “3 bên”, chưa chính quy như sau này, đặc biệt là ca 91.

Thưa ông, ông vừa nhắc về ca bệnh 91, đây là ca bệnh được coi kỳ tích trong công tác điều trị Covid-19 của Việt Nam. Yếu tố nào đã quyết định sự thành công của ca bệnh nguy kịch và có tiên lượng tử vong cao như vậy?

BS Nguyễn Tri Thức: Khi chúng tôi bắt đầu tiếp nhận ca bệnh 91, ngay cả người lạc quan nhất cũng không dám khẳng định bệnh nhân này có thể hồi phục. Trước đó, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo TP.HCM, các đồng nghiệp bên BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng chăm sóc bệnh nhân rất tốt.

Lúc đó, hệ thống hội chẩn đã vào chính quy, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Tiểu ban điều trị khai trương trung tâm chỉ đạo tuyến trên nền tảng trực tuyến Telehealth do Viettel hỗ trợ kỹ thuật tại Bộ Y tế.

Từ đó trở đi, gần như tuần nào Tiểu ban điều trị cũng tổ chức hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy và các chuyên gia, bác sĩ điều trị trực tiếp tới các điều dưỡng, bộ phận kiểm soát nhiễm khuẩn… từ 2 - 3 lần. Bệnh viện Chợ Rẫy chúng tôi cũng chỉ là 1 phần trong ca hội chẩn đó thôi. Sau khi hội chẩn thì chúng tôi tuân thủ tuyệt đối ý kiến kết luận của Hội đồng.

Theo tôi đánh giá, đó là mấu chốt làm nên sự thành công của ca 91 vì huy động được toàn bộ trí tuệ tập thể của quốc gia, của toàn ngành y tế tập trung cho việc điều trị bệnh nhân. Để làm được điều này có sự trợ giúp rất lớn từ nền tảng Telehealth.

Là một trong những “con chim đầu đàn” trong hệ thống y tế, BV Chợ Rẫy hỗ trợ các BV tuyến dưới về mặt chuyên môn như thế nào?

BS Nguyễn Tri Thức: BV Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến sau cùng lớn nhất ở phía Nam. Trước khi có dịch Covid-19, chúng tôi thực hiện theo đúng sự phân công về công tác chỉ đạo tuyến của Bộ Y tế. Bộ có sự phân công về địa bàn phụ trách rất rõ ràng.

Theo đề án 1816 về triển giao kỹ thuật, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ chuyên môn theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế phân công là ở phía Nam, miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và 1 phần Tây Nguyên. Phạm vi hoạt động của chúng tôi cũng tương đối rộng.

Khi có dịch Covid-19, chúng tôi được Bộ Y tế giao thêm 1 nội dung là thành lập các đội phản ứng nhanh, ngoài hỗ trợ chuyên môn, chúng tôi còn chuyên phản ứng nhanh, hỗ trợ các địa phương có bệnh nhân Covid-19 như Bình Thuận, Tây Ninh, Vũng Tàu…

Về đào tạo trực tuyến, chúng tôi đã tiến hành từ rất lâu, kể cả trong dịch Covid-19 thì vẫn tiến hành thường quy. Gần đây, chúng tôi còn tổ chức các hội nghị khoa học trực tuyến nữa.


Buổi hội chẩn khai trương Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của các chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ tại Trung tâm Y tế của huyện Côn Đảo thông qua nền tảng Telehealth của Viettel có gì đặc biệt không, thưa ông?

BS Nguyễn Tri Thức: Điều đặc biệt là lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức hội chẩn, hỗ trợ chuyên môn được đến một hải đảo xa xôi. Hỗ trợ chuyên môn cho tuyến tỉnh và tuyến huyện thì chúng tôi làm nhiều rồi, lâu rồi, nhưng tới hải đảo thì đây là lần đầu tiên.

Khi tham gia hội chẩn, tôi nhận thấy chất lượng của buổi hội chẩn từ hình ảnh, âm thanh cho tới các hình ảnh cận lâm sàng đều rất rõ, rất đẹp, chuẩn chỉ và quy mô hơn trước đây chúng tôi vẫn làm rất nhiều, đáp ứng đủ điều kiện để chúng tôi có thể hỗ trợ chuyên môn tới tận các vùng sâu, vùng xa, hải đảo… Với sự hỗ trợ tốt như vậy về mặt kỹ thuật, sắp tới, chúng tôi có thể tổ chức hội chẩn với một số đảo nữa như đảo Phú Quý, Trường Sa, Hoàng Sa…

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý y tế, việc Khám chữa bệnh từ xa thông qua nền tảng Telehealth sẽ đem lại lợi ích gì cho bệnh nhân và nhân viên y tế?

BS Nguyễn Tri Thức: Việc tư vấn khám chữa bệnh từ xa thông qua nền tảng Telehealth đem lại nhiều lợi ích.

Lợi ích thứ nhất là bệnh nhân không phải di chuyển xa nhưng vẫn tiếp cận được kiến thức y khoa mới nhất, tiếp cận được kinh nghiệm điều trị từ các bệnh viện tuyến trung ương, khi áp dụng vào người bệnh đem lại hiệu quả rất lớn trong công tác chẩn đoán và điều trị.

Lợi ích thứ 2 là hội chẩn trực tuyến giúp các bác sĩ giải quyết vấn đề trong thời gian vàng về mặt điều trị. Điều này rất quan trọng, mang tính chất quyết định sống còn tới sinh mạng người bệnh. Đối với ngành y, người bệnh luôn là trung tâm, lợi ích mang tới người bệnh là quan trọng nhất.

Lợi ích thứ 3 là lợi ích của thân nhân người bệnh, giúp họ không phải di chuyển xa, bỏ công bỏ việc đi chăm người bệnh, giảm được chi phí rất nhiều.

Tiếp theo, hội chẩn trực tuyến thông qua Telehealth có thể giúp các đơn vị tuyến trên giảm tải, khi giảm tải, chúng ta có điều kiện chăm sóc bệnh nhân chu đáo và tốt hơn so với 1 bệnh viện quá tải. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19 và các dịch truyền nhiễm khác, việc khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp đảm bảo được giãn cách xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế tuyến trung ương.

Nhưng tôi cũng lưu ý, Luật khám chữa bệnh năm 2009 và quy định mới ban hành ngày 22/9 quy định rất rõ về quyền tiếp cận hồ sơ bệnh án, quyền riêng tư bệnh lý của mỗi cá nhân. Vì vậy, khi hội chẩn trực tuyến, phải lưu ý đảm bảo được nguyên tắc riêng tư của bệnh nhân về hồ sơ bệnh án đúng theo quy định.

Như hôm nay, chúng tôi làm lễ khai trương có sự theo dõi của 300 điểm cầu. Nhưng khi tiến hành hội chẩn thì chỉ giữa BV Chợ Rẫy và đơn vị cần hội chẩn trực tiếp để đảm bảo được quyền riêng tư của người bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ tận dụng nền tảng Hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa Telehealth như thế nào, thưa ông?

BS Nguyễn Tri Thức: BV Chợ Rẫy đang hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn bằng nhiều hình thức, trực tiếp, qua hệ thống Telehealth. Bên cạnh đó, chúng tôi có thể ứng dụng hệ thống Telehealth vào việc truyền đạt kiến thức mới, tổ chức các buổi hội thảo nhỏ để  đào tạo cho các đơn vị mình tham gia hỗ trợ chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Chúng tôi sẽ duy trì và tiến hành liên tục chứ không dừng lại.

Thu Hà (thực hiện)


Ý kiến của bạn