Phát biểu đóng góp tại phiên thảo luận cho dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV, sáng 13/6, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị quy định rõ địa vị pháp lý của Hội đồng Y khoa Quốc gia. Đại biểu cho rằng quy định giao Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp và thu hồi giấy phép hành nghề là một mô hình lý tưởng. Theo đại biểu, vấn đề làm sao để Hội đồng Y khoa Quốc gia có thực quyền, thực chất, tránh hình thức.
Trên thực tế, từ khi chính thức được Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định thành lập vào cuối năm 2020, đến nay Hội đồng Y khoa Quốc gia Việt Nam vẫn chỉ mang tính chất là cơ quan giúp việc cho Bộ trưởng Bộ Y tế, do Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định rõ địa vị pháp lý việc thành lập, tổ chức hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia, với tư cách là một cơ quan độc lập với Bộ Y tế và hoạt động thuần túy về chuyên môn.
Cùng đóng góp về việc này, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) kiến nghị, cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Dung, trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt bác sĩ tuyến y tế cơ sở hiện nay, đặc biệt là 2 năm vừa qua khi đại dịch COVID-19 diễn ra, có gần 5.000 nhân viên y tế, trong đó có rất nhiều bác sĩ là xin thôi việc trong hệ thống y tế công lập.
"Việc thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế như trên sẽ rất là nghiêm trọng, bởi vì nhiều bác sĩ đang có tâm lý không yên tâm công tác. Hiện nay, trên thế giới có một loại hình là trợ lý bác sĩ. Họ công tác ở trên 50 nước trên thế giới và Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên phát triển loại hình này để lấp đầy khoảng trống nhân lực trong chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trong khi thiếu hụt nhân lực y tế là bác sĩ", bà Nguyễn Thị Thu Dung nói lên thực tế.
Từ đó, nữ đại biểu đoàn Thái Bình đề nghị với cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ. Các Bộ chuyên ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cũng có quy định xác định lại sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của y sĩ trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp tới để xây dựng lại chương trình đào tạo cũng như là quy định lại chức năng, nhiệm vụ đối với từng vị trí công việc và đào tạo theo hướng chuyên môn hóa chuyên sâu.
"Ví dụ như y sĩ chuyên ngành sản nhi, chuyên ngành dinh dưỡng hoặc là chuyên ngành y học cổ truyền để có thể hỗ trợ cho bác sĩ trong mọi hoàn cảnh, mọi vị trí công việc chứ không phải chỉ ở tuyến y tế cơ sở", Đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, dự thảo Luật cũng đang muốn phát triển cấp cứu ngoại viện thì đào tạo cái chức danh y sĩ này theo hướng có kỹ năng cấp cứu ngoại viện, cấp cứu bệnh viện thì đây là đối tượng sẽ gắn bó với cơ sở y tế cơ sở và đáp ứng rất nhanh cho cấp cứu tại chỗ, cấp cứu tại cơ sở.
ĐBQH Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã thay mặt cử tri ngành Y tế tranh luận các ý kiến ĐBQH đồng thời nói lên những tâm tư, nguyện vọng và đóng góp vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Liên quan đến giấy phép hành nghề, ông Nguyễn Tri Thức cho rằng, đây không phải là bằng cấp chuyên môn và không phải thể hiện chuyên môn cao hay thấp.
Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Giấy phép hành nghề bao gồm 2 vế, đó là:
Thứ nhất, có những bằng cấp chuyên môn cần thiết cộng thêm hiểu biết về pháp luật của nước sở tại để làm sao sử dụng chuyên môn, áp dụng để phục vụ người bệnh;
Thứ hai, trong dự thảo quy định, chỉ có Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp giấy phép hành nghề thì ý kiến cử tri ngành y tế là không hợp lý bởi vì chỉ có 1 tổ chức trong cả nước thì khối lượng rất khổng lồ. Theo thống kê năm 2019, chưa kể bác sĩ tuyến trung ương thì riêng tuyến địa phương là 96,2 nghìn bác sĩ sẽ gây ra hiện tượng quá tải, ách tắc trong việc cấp giấy phép hành nghề.
"Thử hỏi nếu một bác sĩ đang khám bệnh ở bệnh viện phải dừng lại 1 tuần hoặc 1 tháng để được cấp giấy phép hành nghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh đối với bênh viện đó", ông Nguyễn Tri Thức lấy ví dụ.
Ông Nguyễn Tri Thức cũng nhấn mạnh, Hội đồng Y khoa Quốc gia không phải cơ quan quản lý nhà nước hay cơ quan hành chính mà là một tập thể nên không phù hợp cấp giấy phép hành nghề.
Do đó cử tri và bản thân ông đề nghị Hội đồng Y khoa Quốc gia xây dựng chuẩn năng lực hành nghề; xây dựng ngân hàng câu hỏi; xây dựng quy chế tổ chức, kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề Khám, chữa bệnh; Xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở y tế đủ năng lực để cấp giấy phép hành nghề, kiểm tra đánh giá hành nghề; Trên cơ sở các cơ sở đủ điều kiện thì Bộ Y tế thẩm định, tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực, thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề do Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các sở Y tế cấp.