Vì sao tỷ lệ mổ đẻ gia tăng?
Chia sẻ với chúng tôi trong chuỗi hoạt động đặc biệt, kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bệnh viện Phụ sản TW (19/7/1955- 19/7/2020), PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, mổ lấy thai tăng là xu thế chung của thế giới, không riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên là chuyên gia đã gắn bó 33 năm với ngành sản phụ khoa, cũng đồng thời là “thuyền trưởng” của Bệnh viện Phụ sản TW, ông cảm thấy không thoải mái, không thích và không vui trước sự gia tăng của xu thế này.
Tại Việt Nam, cụ thể là tại Bệnh viện Phụ sản TW, tỉ lệ mổ lấy thai đang khoảng là 50%- thuộc dạng trung bình, trong khi các nước khác, có những nước tỉ lệ này lên đến 80%; ở Trung Quốc khoảng 60-70%. Ở các nước Châu Âu tỉ lệ mổ thấp hơn
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW siêu âm sàng lọc trước sinh cho thai phụ
Theo thống kế của Bệnh viện Phụ sản TW, giai đoạn 2010-2014, trong tổng số 105.543 ca đẻ tại bệnh viện, số đẻ mổ chiếm 51 nghìn ca. Tương tự, trong giai đoạn 2015-2019, trong hơn 110.000 ca sinh thì có khoảng 68 nghìn ca mổ đẻ.
Phân tích lý do vì sao tỷ lệ mổ đẻ ngày càng gia tăng, Giám đốc Trần Danh Cường cho hay, do đây là bệnh viện tuyến cuối, chủ yếu là thai bệnh lý của mẹ hoặc thai nhi ở các nơi chuyển về. Hay những trường hợp 'con quý con hiếm' doạ đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm, thai chậm phát triển trong tử cung, hay các bệnh lý của bà mẹ như tiền sản giật, rau cài răng lược,... bắt buộc phải mổ lấy thai. Đây là những lý do đóng góp vào tỉ lệ mổ tương đối cao.
"Với những trường hợp này, chỉ định mổ đẻ là bắt buộc không thể làm khác. Việc mổ đẻ cũng ảnh hưởng đến việc triển khai tiếp xúc da kề da vì em bé nhỏ, bà mẹ phải chăm sóc đặc biệt"- PGS. TS Trần Danh Cường cho biết.
Ngoài ra, tỉ lệ mổ đẻ lấy thai gia tăng cũng do tác động từ xã hội. Hiện nay, hệ thống khám chữa bệnh theo yêu cầu rất phát triển, vì áp lực, vì nhu cầu của thai phụ mà bác sĩ tiến hành mổ lấy thai (dù có thể không có chỉ định). Ngoài lý do thai bệnh lý, thì ngày nay tỷ lệ chủ động mổ lấy thai theo yêu cầu cũng tăng cao. Nhiều gia đình mong muốn sinh con theo giờ, theo ngày.
Trong đó, PGS. TS Trần Danh Cường đặc biệt lưu ý tỉ lệ mổ đẻ tăng trên các bệnh nhân có vết mổ cũ. Để giảm được tỉ lệ mổ đẻ, phải giảm đẻ mổ ở con so. Khi một phụ nữ đẻ con đầu lòng bằng phương pháp mổ thì con thứ 2, thứ 3 chắc chắn phải mổ tiếp. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ đẻ mổ tăng lên, không thể giảm đi được.
Bên cạnh đó, phải tăng cường chuyên môn, chăm sóc thai nghén tốt theo dõi quá trình chuyển dạ, đẻ thường.
Ngoài ra, các biến chứng liên quan đến chuyển dạ cũng khó lường, với các trường hợp khó đẻ, các bác sĩ thường chuyển đẻ mổ, không kiên trì chờ sinh thường bởi áp lực sợ bệnh nhân chuyển biến xấu.
"Đẻ thường có nhiều cái lợi tốt nhất cho cả mẹ và em bé"
Từ thực tiễn hoạt động chuyên môn của mình, PGS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh muốn giảm tỷ lệ mổ thai thì phải chăm sóc thai nghén tốt, theo dõi chuyển dạ tốt. Thai phụ phải hợp tác và bác sĩ cần kiên trì, cùng hỗ trợ, thống nhất với nhau trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ thường bị động do thai phụ khám thai ở nhiều chỗ.
Một trẻ sinh thường được tiếp xúc da kề da mẹ ngay sau khi sinh ra tại Bệnh viện Phụ sản TW
Ví dụ, ban đầu thai phụ khám ở bệnh viện rất tốt, nhưng thời gian sau lại khám ở chỗ khác, cuối cùng khi gần sinh lại đến bệnh viện mới phát hiện bị tiểu đường thai kỳ. Lúc này, các bác sĩ "trở tay không kịp", bắt buộc phải đẻ mổ. Vì vậy, thai phụ nên theo dõi thai kỳ ở một nơi, để các bác sĩ năm rõ tình hình, tư vấn, điều chỉnh phác đồ đúng thời điểm, tránh biến chứng xảy ra.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW nhấn mạnh, "đẻ thường tốt hơn rất nhiều". Em bé sinh thường sẽ phải trải qua một thời gian dài trong quá trình chuyển dạ, phổi bé sẽ phải hoạt động tốt, dịch phổi sẽ trào ra khi bé ra ngoài, tránh được tình trạng chậm tiêu dịch phổi. Về sau, hệ hô hấp của trẻ sẽ tốt hơn.
Ngoài ra, đẻ thường không gặp các biến chứng của sinh mổ như gây tê màng cứng, gây mê, chảy máu vết mổ sau đẻ. Trong quá trình chuyển dạ sẽ kích hoạt hệ thống nội tiết, sau sinh người mẹ có sữa nhiều. Thời gian hồi phục mẹ sau đẻ ngắn hơn.
"Đẻ thường có nhiều cái lợi tốt nhất cho cả mẹ và em bé. Tuy nhiên, thai phụ cần có sự kiên trì, hợp tác, tin tưởng vào chỉ định của bác sĩ để theo dõi quá trình chuyển dạ"- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Bệnh viện luôn nỗ lực hết sức trong công tác giám sát chỉ định mổ đẻ, làm sao các ca chỉ định mổ đẻ chính xác nhất.
Nỗ lực để chăm sóc sức khoẻ sản khoa, bà mẹ -trẻ em ngày càng tốt nhất
Những ngày này, tại khu toà nhà hành chính của Bệnh viện Phụ sản TW, bất cứ ai đến đây đều ấn tượng bới những bức ảnh đã ngả màu theo thời gian, có những bức ảnh đen trắng xen lẫn những bức ảnh màu.
Dẫn chúng tôi đi một vòng, PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ “có lẽ dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Bệnh viện Phụ sản TW rất đặc biệt bởi sẽ không có hoạt động nghi lễ mà thay vào đó là những hoạt động tri ân, là sự tái hiện lại chặng đường hình thành và phát triển của bệnh viện bằng những bức ảnh triển lãm, là treo những bức thư cảm động của người nhà bệnh nhân, của người bệnh gửi đến cảm ơn chúng tôi đã nỗ lực cứu họ...”
Đã 33 năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản TW, từ một sinh viên trường Y mới ra trường ngày nào, cho đến hôm nay đã là “thuyền trưởng” chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của bệnh viện, PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, ông đã chứng kiến và gắn bó với rất nhiều thay đổi của bệnh viện.
Từ một bệnh viện thời bao cấp chỉ dùng ống nghe bằng gỗ, không có máy siêu âm, khám thai chỉ bằng tai và tay nay đã phát triển hơn rất nhiều. Hiện, Bệnh viện phụ sản TW có 1.000 giường bệnh. Các khoa phòng trung tâm của bệnh viện được trang bị đầy đủ các hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa huyết học, miễn dịch, dàn máy nội soi, vi phẫu... đã giúp các thầy thuốc chẩn đoán, xử trí chính xác.
PGS.TS Trần Danh Cường và các đồng nghiệp xem lại các bức ảnh lịch sử về chặng đường 65 năm phát triển của bệnh viện Phụ sản TW
Từ số cán bộ ít ỏi những ngày đầu thành lập, đến nay tổng số cán bộ của bệnh viện đã lên đến hơn 1.100 người, trong đó có nhiều giáo sư, phó giáo sư, nhiều chuyên gia hàng đầu về sản-phụ khoa...
10 năm trở lại đây, với việc áp dụng phác đồ mới trong điều trị, theo dõi tiền sản giật, 100% các ca tiền sản giật tại bệnh viện không xảy ra biến chứng. Trước đây, hầu như trẻ đẻ non nặng 1,5 kg đều khó sống sót, nhưng hiện nay bệnh viện đã nuôi sống trẻ chỉ nặng 0,5 kg.
PGS.TS Trần Danh Cường cho biết thêm, năm 2020 đánh dấu 65 năm hình thành và phát triển của bệnh viện. Sắp tới bệnh viện sẽ xây dụng khu dịch vụ cao cấp tiêu chuẩn 5 sao. "Bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, thay vì sếp hàng sẽ đặt lịch qua mạng, qua điện thoại. Chúng tôi đảm bảo sự chăm sóc toàn diện và an toàn tuyệt đối cho mọi sản phụ khi đã bước chân vào cổng bệnh viện", PGS.TS Trần Danh Cường thông tin
Bên cạnh đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều kỹ thuật mới, chuyên ngành mới, bệnh viện sẽ phát triển chuyên sâu một số ngành như chẩn đoán trc sinh, thụ tinh ống nghiệm, mở thêm một số ngành mới như chăm sóc sức khởe sinh sản nam giới, chăm sóc sức khoẻ phụ nữ sau sinh và rối loạn tiền mãn kinh, mãn kinh.
Giám đốc Bệnh viện Trần Danh Cường cùng các đồng nghiệp trẻ, các học trò chụp ảnh lưu niệm tại triển lãm ảnh nhân lỷ niệm 65 năm thành lập bệnh viện
Ngoài ra, bệnh viện cũng tăng cường hệ thống sàng lọc ung thư phụ khoa, ung thư tử cung, ung thư vú, ung thư buồng trứng...
"Chúng tôi luôn nỗ lực để làm sao ngày càng chăm sóc sức khoẻ sản khoa, sức khoẻ bà mẹ- trẻ em, thậm chí là cả nam giới, ngày càng tốt hơn để người bệnh cảm thấy hài lòng hơn, yên tâm và tin tưởng nhiều hơn vào chúng tôi"- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW nhấn mạnh...
Ngoài nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản ở trong nước và được học tập nâng cao tay nghề ở các nước tiên tiến, Bệnh viện đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu như: Hệ thống Autodelfia (xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh); hệ thống Tendem Mass (sàng lọc các bệnh rối loạn chuyển hoá); Hệ thống Sequensing (xét nghiệm QF-PCR) đã giúp thầy thuốc của bệnh viện chẩn đoán, xử trí chính xác các trường hợp bệnh.
Những đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của bệnh viện Phụ - Sản TW được nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như:
- Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2008.
- Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2002 và 1985.
- Huân chương Lao động hạng Hai năm 1982.
- Huân chương Lao động hạng Ba năm 1976.